Hoàn tất công tác chuẩn bị tại các điểm thi
Kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thi, bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện y tế tại các điểm thi. Kiểm tra danh sách thí sinh tương ứng với phòng thi, không để xảy ra lỗi kỹ thuật trong sắp xếp phòng thi.
Tổ chức cho thí sinh điều chỉnh sai sót các thông tin cá nhân trong ngày làm thủ tục dự thi; làm thủ tục cho thí sinh bị thất lạc giấy báo dự thi. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện tốt các công việc về in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi tuyệt đối an toàn, coi thi, chấm thi, phúc khảo. Các trường cần có kế hoạch huy động đủ cán bộ chấm thi các môn tự luận để bảo đảm tiến độ chấm thi theo kế hoạch của Kỳ thi.
Thí sinh lại nô nức "vượt vũ môn". (Nguồn: VTC) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu rà soát kỹ phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm tổng hợp điểm thi đúng theo quy định của quy chế thi hiện hành cũng như tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công bố kết quả thi tại cụm thi được thông suốt.
Các trường được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi, phúc khảo bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần quy định. Huy động cơ sở vật chất, trường, lớp cho tổ chức kỳ thi theo đề nghị của đơn vị chủ trì cụm thi đại học; bố trí ký túc xá cho thí sinh và người nhà có nhu cầu sử dụng trong những ngày thi. Không để xảy ra lộn xộn tại những nơi tiếp nhận đăng ký xét tuyển
Bố trí đầy đủ cán bộ tham gia tổ chức tuyển sinh; nghiêm túc triển khai tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ thực hiện công tác tuyển sinh; tổ chức xét tuyển đúng quy định của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành, bảo đảm tuyển sinh công bằng, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Các trường cần thành lập tổ tư vấn, thiết lập và công bố đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.
Khai báo ngay nếu mất giấy tờ
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trách nhiệm của thí sinh có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi: Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân và nhận Thẻ dự thi; Nếu thấy có những sai sót về họ, đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, phải báo cáo ngay cho cán bộ của Hội đồng thi để xử lý kịp thời.
Trường hợp bị mất Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, phải báo cáo ngay cho Trưởng điểm thi để xem xét, xử lý.
Có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban Coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi (CBCT) Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Đình chỉ thi ngay nếu phát hiện gian lận
Theo Quy chế thi, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Báo lỗi đề sau 15 phút phát đề
Bộ GD&ĐT quy định, thí sinh ngồi đúng vị trí có số báo danh của mình; Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), giấy nháp.
Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với CBCT trong phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề;
Không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo CBCT. Khi được phép nói, thí sinh đứng trình bày công khai với CBCT ý kiến của mình;
Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên Phiếu TLTN; chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực màu đỏ);
Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay; Bảo quản bài thi nguyên vẹn, không bị người khác lợi dụng. Nếu phát hiện có người khác xâm hại đến bài thi của mình phải báo cáo ngay cho CBCT để xử lý;
Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi, Phiếu TLTN. Không nộp giấy nháp.
Không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi;
Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của CBCT và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát; trường hợp cần cấp cứu, việc ra khỏi phòng thi và khu vực thi của thí sinh do Trưởng điểm thi quyết định.
Những lưu ý trong làm bài thi trắc nghiệm
Thí sinh phải làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) được in sẵn theo quy định của Bộ GDĐT. Chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn;
Điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên Phiếu TLTN, đối với số báo danh phải ghi đủ phần chữ và tô đủ phần số (cả 6 ô, kể cả các số 0 ở phía trước); điền chính xác mã đề thi vào hai Phiếu thu bài thi;
Khi nhận đề thi, phải để đề thi dưới tờ Phiếu TLTN; không được xem đề thi khi CBCT chưa cho phép;
Phải kiểm tra đề thi để đảm bảo có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi
Không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài. Khi nộp Phiếu TLTN, phải ký tên vào hai Phiếu thu bài thi; Chỉ được rời phòng thi sau khi CBCT đã kiểm đủ số Phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép ra về.
Những con số của kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tổng số thí sinh dự thi là hơn 887.000, giảm tới 118.000 thí sinh so với năm 2015. Trong đó, có hơn 81.000 thí sinh tự do (chiếm 9%) dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ, giảm 4% so với năm trước. Chỉ có 59%, tương đương hơn 519.000 thí sinh, dự thi với đồng thời cả hai mục đích - xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Tỉ lệ này tương đương năm 2015. Hơn 286.000 thí sinh cả nước đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Đây là số liệu vừa được Bộ GD-ĐT chính thức công bố. Con số nói trên chiếm 32% trong tổng số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, tăng thêm 4% so với kỳ thi năm 2015. Địa phương có số lượng đăng ký dự thi nhiều nhất là Hà Nội với 76.137 thí sinh, ít nhất là tỉnh Lai Châu có 3.405 thí sinh đăng ký. Cả nước có 120 hội đồng thi, gồm 70 hội đồng thi ĐH và 50 hội đồng thi tốt nghiệp. Trong số các điểm thi ĐH, cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì tại Nghệ An có lượng thí sinh dự thi nhiều nhất: 21.691. Cụm thi do Trường ĐH Nông lâm - Đại học Thái Nguyên chủ trì tại Lai Châu có lượng thí sinh dự thi ít nhất: 1.313. Thống kê theo môn thi, các môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất là toán và văn, đều trên 850.000 thí sinh. Tiếp theo là môn tiếng Anh với hơn 661.000 thí sinh dự thi. Những môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều là môn địa lý có trên 436.000 thí sinh, môn vật lý là gần 368.000 thí sinh, môn hóa học là 347.400 thí sinh. Môn sinh học có 157.400 thí sinh dự thi và môn lịch sử có hơn 131.700 thí sinh. Trong các môn ngoại ngữ, ngoài môn tiếng Anh, các thứ tiếng còn lại đều có số lượng thí sinh dự thi rất ít: tiếng Nga: 213, tiếng Pháp: 1.040, tiếng Trung: 680, tiếng Nhật: 415 và tiếng Đức chỉ có 75 thí sinh dự thi. |