📞

Mục tiêu chung gắn liền với doanh nghiệp

07:34 | 18/02/2015
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần phải tăng cường cơ hội tiếp xúc và đối thoại giữa hoạch định chính sách với cộng đồng doanh nghiệp, người dân để họ hiểu biết hơn về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Ông nghĩ gì về AEC?

AEC là cộng đồng mở, là khối liên kết nhưng mở với khu vực và nền kinh tế toàn cầu. AEC là cộng đồng gắn với tự do hóa thương mại, dịch vụ đầu tư và hợp tác phát triển.

Theo tôi, phải nhận thức đầy đủ hơn về sân chơi ASEAN. Đừng nhìn ASEAN chỉ như một khối kinh tế với các thành viên có sức mạnh không lớn. Hãy nhìn ASEAN như một thị trường để sản xuất kinh doanh vì độ mở của nó. Đây là một thị trường quan trọng có thể kết nối mạnh với khu vực và thế giới qua các mạng, chuỗi sản xuất, qua đó mỗi nước sẽ tăng được vị thế của mình trên nhiều góc độ, chẳng hạn vị thế mặc cả, đàm phán.

Tuy nhiên, muốn thay đổi từ cách nhìn, đến đi vào thực thi các cam kết ASEAN với mức độ sẵn sàng thì nhận thức về ASEAN phải có chuyển biến mạnh mẽ hơn. Có thể thấy chương trình hành động đã có nhiều nhưng quan trọng là sự tương thích với chiến lược phát triển, với luật pháp trong nước để chỉnh sửa.

Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam khi tham gia AEC vào cuối năm 2015?

Việt Nam đã thu hẹp đáng kể về mặt văn bản pháp lý, hệ thống văn bản pháp quy và các cam kết đã đáp ứng được đòi hỏi, lộ trình và chương trình hành động hướng tới AEC, nhưng khả năng thực thi trên bốn trụ cột của AEC (gồm Thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Một khu vực phát triển đồng đều và Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu) vẫn còn khoảng cách khá xa. Đây không phải là vấn đề quá lớn, vì các nước ASEAN khác cũng thế, do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và riêng mỗi nước, thể chế và kết nối giữa các nước ASEAN.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị và hiểu biết của doanh nghiệp về một cộng đồng kinh tế chung còn thấp. Theo kết quả điều tra vừa qua, chỉ khoảng 30% số doanh nghiệp thích nghi được.

Doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến AEC vì họ chỉ nghĩ đến việc làm ăn trong nước, chưa để ý đến sự gắn kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thị trường nước ngoài. Do vậy sự sẵn sàng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn yếu.

Tuy nhiên, đôi khi có những doanh nghiệp đã có sự gắn kết với ASEAN, với thế giới rồi nhưng họ không biết. Chẳng hạn, họ quan hệ với các doanh nghiệp trong nước, nhưng doanh nghiệp đó lại liên kết qua thương mại, dịch vụ trong ASEAN, khu vực và thế giới.

Như vậy, chương trình hành động đã có đầy đủ, vậy cần tiếp tục làm gì để Việt Nam hội nhập tốt hơn?

Việc thực thi bao giờ cũng là khâu yếu nhất của không riêng Việt Nam, mà của cả ASEAN. Đã có chương trình chung cũng như của từng nước thành viên, nhưng vấn đề là làm sao phải đẩy được tiến độ cả về mặt cam kết, pháp lý, thực thi. Việc thực thi phải đúng như các cam kết.

Bạn đã nghĩ bạn là một công dân ASEAN chưa? Vấn đề quyết định là mục tiêu chung đều gắn liền với cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, cần phải tăng cường cơ hội tiếp xúc và đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách với cộng đồng doanh nghiệp, người dân để họ hiểu biết hơn về AEC. Hiểu, biết này không chỉ là đầy đủ mà phải sâu, vì đó không chỉ là cơ hội hay thách thức mà quan trọng hơn đó còn là tính pháp lý. Vì khi tham gia sân chơi lớn thì yêu cầu pháp lý rất quan trọng, để có thể bảo vệ được chính mình nhằm giảm thiệt hại khi vấp phải chuyện này chuyện kia.

Ông nhìn nhận thế nào về lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam?

Mặc dù có cạnh tranh rất quyết liệt, nhưng ASEAN là mạng, là chuỗi của khu vực và toàn cầu do vậy việc tham gia ASEAN giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, len chân vào những mạng và chuỗi toàn cầu ấy một cách tốt hơn.

Trên thực tế, Việt Nam không chỉ là nơi nhận đầu tư mà nhiều doanh nghiệp trong nước đã mở rộng đầu tư sang các nước thành viên ASEAN và các nước khác để tham gia vào chuỗi giá trị của thế giới theo cách mới. ASEAN cũng mở ra cơ hội hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp, vấn đề tài chính của các doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi hơn nhờ mối liên kết toàn cầu.

Tuy nhiên, thách thức đầu tiên là tính cạnh tranh sẽ rất cao. Trong khi đó, mức độ và tiến độ hội nhập của ta chậm hơn một số nước nên về kinh nghiệm sẽ yếu hơn.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuộc hạng vừa và nhỏ thì việc hội nhập này có thua thiệt?

Có thể thấy, việc liên kết của ASEAN và khu vực Đông Á cơ bản do thị trường dẫn dắt, mặc dù đi sau về vốn, tiềm lực yếu hơn nhưng thời gian qua doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những bước phát triển, đây là bản năng về kinh doanh trong sự vận động của thị trường.

Nếu đứng ở góc độ này thì cũng không phải quá bi quan về thị trường và con người Việt Nam, nhưng cần phải thấy rõ bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì vẫn cần phải có nhiều giải pháp, trong đó quan trọng là giải pháp tầm vĩ mô. Chẳng hạn, về khả năng chống đỡ các cú sốc thì doanh nghiệp chưa nhiều kinh nghiệm do thiếu tầm nhìn về dài hạn, nên cần có sự hỗ trợ của Chính phủ. Vấn đề hỗ trợ cần có cách thức, không nên làm méo thị trường, trong trường hợp xảy ra cú sốc cần có giải pháp thích hợp.

Minh Thủy (thực hiện)