📞

Mục tiêu tách rời Trung Quốc có kết quả, quốc gia này đã 'soán ngôi' Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức

Chu Văn 06:58 | 13/05/2024
Theo tính toán của hãng tin CNBC (Mỹ), trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Đức và Mỹ đạt 63 tỷ Euro (68 tỷ USD), còn tổng kim ngạch thương mại giữa đầu tàu kinh tế châu Âu và Trung Quốc chỉ đạt dưới 60 tỷ Euro.
Quốc gia này đã 'soán ngôi' Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức. (Nguồn: Getty Images)

Như vậy, sau nhiều năm Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, Mỹ đang trên đà vươn lên chiếm lấy vị trí này trong năm nay.

Lý giải cho sự thay đổi về vị trí giữa Mỹ và Trung Quốc trong mối quan hệ thương mại với Đức, chuyên gia Carsten Brzeski - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại ING Research - cho biết rằng có một số yếu tố đóng vai trò chính.

Các yếu tố này bao gồm: sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm của Đức.

Đồng thời là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp phương Tây dẫn đến “làn sóng” tách rời khỏi Trung Quốc.

Trong khi, nhu cầu nội địa của Trung Quốc ngày càng yếu và chính phủ nước này đã chuyển hướng tập trung vào chiến lược tự sản xuất hàng hóa thay vì nhập khẩu, dẫn đến nguồn hàng có xuất xứ từ Đức (chủ yếu là ô tô) sang Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong nhiều năm, nhưng khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ đã thu hẹp trong những năm gần đây. Chuyên gia Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, nói Mỹ từ lâu đã là thị trường xuất khẩu quan trọng của Đức và trao đổi thương mại giữa hai quốc gia đồng minh này ngày càng phủ rộng hơn.

Chuyên gia Schmieding lý giải trong khi tỷ trọng xuất khẩu của Đức vào Mỹ tăng lên trong những năm gần đây, thì tỷ trọng xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc lại giảm dần. Ông nói: “Nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ và các công ty Đức phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các công ty Trung Quốc”.

Từ năm 2023, chính phủ Đức đã theo đuổi một chiến lược mới đối với Trung Quốc, kêu gọi các công ty nội địa “giảm thiểu rủi ro” từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù, các nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng, Trung Quốc sẽ vẫn là đối tác quan trọng của nước này và không nên có sự "tách rời", nhưng, trên thực tế, "sự cạnh tranh có hệ thống" ngày càng đặc trưng cho mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Căng thẳng cũng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, khi hai bên tiến hành điều tra các hoạt động thương mại của nhau và đe dọa áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu.

Tháng trước, một cuộc khảo sát của Viện Kinh tế Đức Ifo cho thấy, số lượng công ty Đức phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã giảm từ con số 46% vào tháng 2/2022 xuống còn 37% vào tháng 2/ 2024. Điều này có liên quan đến việc ít công ty phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc hơn.

Chuyên gia Brzeski của ING Research nhận định, việc Mỹ đang trên đà trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức đã minh họa cho sự thay đổi mô hình thương mại và sự tách rời dần dần khỏi Trung Quốc của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) công bố đầu năm nay, nền kinh tế Đức bị đánh giá là sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Dự kiến vào năm 2027, quốc gia này sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào tay Ấn Độ.

Cũng theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Đức bị đánh giá yếu đi là do lĩnh vực sản xuất của nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Trong khi đó, sau nhiều thập kỷ nay, bán hàng sang Trung Quốc trở thành chìa khóa thành công về kinh tế của Đức, nhưng giờ họ lại băn khoăn về đối tác này. Hồi tháng 7/2023, Đức lần đầu tiên công bố chiến lược về Trung Quốc - đây là nỗ lực nhằm cân bằng giữa lợi ích kinh tế khổng lồ của mối quan hệ này với nhu cầu giảm thiểu rủi ro từ các động thái của Bắc Kinh cả trong nước và trên toàn cầu.

Tài liệu 64 trang cho rằng, Đức không nên chỉ coi Trung Quốc là đối tác kinh tế nữa, mà còn là một đối thủ. Mục đích chính là giảm rủi ro từ việc các doanh nghiệp Đức phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. "Trung Quốc đã thay đổi, vì thế, chính sách của chúng ta với Trung Quốc cũng phải thay đổi theo. Không muốn tách rời Bắc Kinh, nhưng phải giảm rủi ro hết mức có thể", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock giải thích khi trình bày về tài liệu này.

(theo CNBC)