📞

Mục tiêu thật sự của vụ ám sát Đại sứ Nga tại Ankara

15:06 | 21/12/2016
Mục tiêu thật sự của vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm giáng một "đòn chí tử" vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Và, mục đích này đã đạt được. 

Kế hoạch gây chia rẽ?

Ngày 19/12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn chết khi vừa kết thúc bài phát biểu khai mạc triển lãm ảnh “Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ”. Vụ việc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy trong giới lãnh đạo cấp cao thế giới. Họ gọi đây là “tội ác” (lời của Ngoại trưởng Italy Federica Mogherini), là “sự nhục nhã” (lời của Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski) và "hèn hạ” (lời của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson). 

Đại sứ Nga Andrei Karlov ít phút trước khi bị sát hại. (Nguồn: Twitter)

Giả thuyết chính thức mà Moscow và Ankara đưa ra là vụ việc nhằm chia rẽ quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Chavutoglu nói: “Cả lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều hiểu rất rõ rằng, vụ khủng bố không chỉ nhắm vào ông Karlov mà còn nhắm vào hai nước. Đây là vụ tấn công nhắm vào ý chí chính trị của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi hai nước đang muốn đặt hợp tác lên hàng đầu”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vụ ám sát Đại sứ Karlov là kế hoạch "láu cá" của ông Erdogan nhằm mục tiêu hoặc là trả đũa Nga, hoặc kiếm cớ để truy đuổi phe đối lập nhiều hơn. Thủ phạm Altytash từng bị đuổi khỏi ngành cảnh sát trong quá trình Thổ Nhĩ Kỳ thanh lọc các cơ quan bảo vệ pháp luật khỏi những thân tín của giáo sỹ Fethullah Gulen, người đã âm mưu tiến hành cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7. Giờ đây, có lẽ nhiều người sẽ nói rằng, lẽ ra không chỉ thanh lọc, mà phải bỏ tù hoặc thậm chí xử tử những người như Altytash - điều mà Tổng thống Erdogan sẽ vui mừng thực hiện.

Người chịu thiệt hại nhất

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích đã phản đối ý kiến trên khi cho rằng ông Erdogan là người chịu thiệt hại nhất từ vụ khủng bố. Ông đã mất không chỉ uy tín mà cả lợi thế trong đàm phán với Moscow. Thứ nhất, có thể ông Erdogan sẽ phải trao vô điều kiện cho Nga những nhân vật mà ủy ban điều tra yêu cầu. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhượng bộ Moscow trong vấn đề Syria, ví dụ trong việc cung cấp tay súng từ Idlib. Có thể, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn phải "đền bù" Nga bằng nhiều hình thức khác mà dư luận sau này mới biết hoặc sẽ không bao giờ biết được.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là người chịu thiệt hại nhất sau vụ khủng bố. (Nguồn: Reuters)

Về giả thuyết mà Moscow đưa ra, đó là vụ ám sát ông Karlov “nhằm phá vỡ tiến trình hòa bình tại Syria mà Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và nhiều nước khác đang tiến hành”, hòng buộc Nga phải có những hành động nào đó, giới phân tích cho rằng khả năng này cũng ít xảy ra vì thứ nhất, vụ sát hại Đại sứ Karlov chỉ càng làm tăng vị thế của Nga tại Syria vì nó giúp nước này lấn át được Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, thật "ngây thơ" khi nghĩ rằng ông Putin sẽ sợ hãi sau vụ ám sát Đại sứ Karlov và rút quân khỏi Syria. Thứ ba, nếu cho rằng sau vụ ám sát nói trên, Moscow sẽ từ chối đàm phán với phe đối lập Syria thì cũng thật nực cười vì Nga không dễ dao động và sẽ suy tính rất kỹ trước khi thực hiện một quyết định nào đó.

Vì vậy, giả thuyết thực tế nhất là mục tiêu của kẻ khủng bố không phải là ông Karlov mà là ông Erdogan. Vụ giết hại Đại sứ Nga ngay tại thủ đô Ankara sẽ làm phơi bày những điểm yếu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỹ, buộc ông Erdogan phải có biện pháp siết chặt kỷ luật tại Thổ Nhĩ Kỳ - động thái dễ gây nên phản kháng của người dân, làm mất uy tín của Ankara trong con mắt của người Nga cũng như trên toàn thế giới. 

(theo Expert.ru)