Sau một năm thành lập, theo bà, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đi được một chặng đường như thế nào?
Thời điểm này chúng ta đang kỷ niệm 1 năm ngày AEC được thành lập. Đây là thời điểm để các nước ASEAN thể hiện rõ quyết tâm của mình trong việc hình thành một thị trường đơn nhất và một cơ sở sản xuất chung với nhiều khía cạnh hợp tác về mặt kinh tế, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng, cạnh tranh bền vững và lấy con người làm trung tâm của AEC.
Tuy nhiên, việc thành lập AEC là một bước mạnh mẽ để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu chứ không phải là bước đầu tiên của việc thực hiện các cam kết này. AEC đã có những bước khởi động đầu tiên từ năm 1992 với một loạt thỏa thuận, cam kết pháp lý, cam kết hợp tác giữa các nước ASEAN về các vấn đề kinh tế. Trong suốt nhiều năm nay, các nước ASEAN vẫn tiếp tục thực hiện các thỏa thuận để hướng tới hoàn thành các mục tiêu ASEAN. Vì vậy, năm 2016 không phải là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu ASEAN.
Dù vậy, rất tiếc phải nói rằng, mặc dù trong năm 2016 chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp biết nhiều hơn về AEC nhưng dường như các kết quả chưa được như mong muốn.
Nếu nhìn vào những con số, có thể thấy năm 2016, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN dường như đang giảm so với năm 2015, đặc biệt là tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước ASEAN. Trong một năm qua, mặc dù vẫn có những cuộc gặp cấp cao ASEAN và có thêm nhiều cam kết, hợp tác nhưng đứng từ góc độ các cam kết pháp lý, vẫn chưa có văn bản nào mới trong việc thực thi các cam kết ASEAN. Các nước ASEAN vẫn đang thực hiện những mục tiêu đã đặt ra trong Bản lộ trình hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, đưa ra vào thời điểm thành lập AEC.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI). (Ảnh: Vân Chi) |
Theo bà, nguyên nhân nào khiến xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN sụt giảm? Phải chăng, trong sân chơi AEC, chúng ta đang mất nhiều hơn được?
Nói về tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu, tôi cho rằng có nhiều yếu tố tác động. Khó có thể nói một nguyên nhân cụ thể nào. Đó có thể là do nhu cầu của thị trường còn nhiều yếu tố về kinh tế tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến một thực tế là các nước ASEAN mà chúng ta hiện nay đang có lưu lượng thương mại lớn phần lớn là các nước đã hoàn thành lộ trình loại bỏ thuế quan. Vì vậy, khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2016, đối với các nhóm nước này, các vấn đề về mặt thuế quan gần như chúng ta sẽ không có lợi gì hơn vì họ đã loại bỏ hoàn toàn thuế từ trước rồi. Trong khi đó, về phía Việt Nam, năm 2016, chúng ta vẫn phải thực hiện các bước giảm thuế theo cam kết trong AEC mà trước đây chúng ta chưa loại bỏ. Các nước chắn chắn sẽ tận dụng lợi thế này. Đây có thể là một lý do giải thích tại sao nhập khẩu Việt Nam vào các nước ASEAN lại giảm so với thời điểm trước khi AEC được thành lập.
Một cuộc điều tra của VCCI cho thấy, chỉ 16% doanh nghiệp Việt Nam thực sự hiểu rõ về AEC. Phải chăng doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu thông tin hay thiếu một công cụ nào đó thực sự hiệu quả để họ có thể tiếp cận thị trường ASEAN?
Trong thời đại công nghệ thông tin thì thông tin không thiếu. Vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp cần có những thông tin cụ thể, đáp ứng nhu cầu của họ, có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của họ. Những thông tin này hiện nay ở Việt Nam tương đối rời rạc, khá là chung chung và chưa được xử lý để có thể giúp doanh nghiệp tận dụng nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Ví dụ, nếu một doanh nghiệp muốn xuất khẩu một mặt hàng sang các nước ASEAN mà cần thông tin về các loại thuế áp dụng cho hàng hóa, doanh nghiệp sẽ phải đi tìm ở rất nhiều nơi. Nếu chúng ta có một đầu mối để xử lý tất cả những thông tin này giúp họ thì họ chỉ cần vào một nơi là có thể tìm được thông tin cần thiết.
Với thời đại ngày nay, thông tin là sức mạnh, doanh nghiệp nếu có được thông tin mà mình mong muốn, những thông tin được xử lý thì doanh nghiệp đã cầm trong tay một công cụ mang lại cho họ sức mạnh.
Để có được năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải tự nỗ lực mới có được. (Nguồn: DNSG) |
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng, vấn đề biết là một chuyện còn thực hiện được hay không lại là câu chuyện khác. Cho nên, không phải khi doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các thông tin mà họ cần thì họ có thể ngay lập tức có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Để có được năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải tự nỗ lực mới có được.
Đơn cử như trong AEC, có rất nhiều người cho rằng AEC là một thị trường mà 10 nền kinh tế đều có nét tương đồng nên cạnh tranh nhau và lợi ích kinh tế sẽ không thu được nhiều. Trên thực tế, lý thuyết kinh tế hiện đại lại hướng tới người tiêu dùng. Cùng một sản phẩm, người tiêu dùng có thể có nhiều nhu cầu khác nhau. Mặc dù AEC có các cơ cấu khác nhau nhưng nếu chúng ta có những sáng tạo riêng để cung cấp cho người tiêu dùng những lựa chọn khác nhau thì chúng ta vẫn có thể thắng. Nếu nhìn nhận theo hướng này, rõ ràng, ngay ở thị trường ASEAN với những cơ cấu kinh tế tương đồng, nếu doanh nghiệp sáng tạo và tìm được những mũi nhọn của mình thì hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt trong một thị trường có mức tiêu dùng lớn và mức thu nhập đang tăng lên.
Hàng rào kỹ thuật vẫn là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam vấp phải khi thâm nhập thị trường ASEAN. Vậy lời khuyên của bà dành cho doanh nghiệp là gì?
Một trong những khía cạnh hợp tác trong khuôn khổ AEC là hợp tác trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Sự hợp tác này đang được thực hiện theo hai hướng. Một là hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật, hay nói cách khác là sử dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật chung. Hướng thứ hai là thừa nhận lẫn nhau về các thủ tục đánh giá tính phù hợp. Đây là hướng rất tốt và thuận tiện cho doanh nghiệp.
Việc có được một hàng rào kỹ thuật chung cho các nước ASEAN là rất tốt. Tuy nhiên, các nước ASEAN lại có trình độ phát triển khác nhau, có mục tiêu về chính sách khác nhau nên việc thống nhất một hàng rào kỹ thuật chung giữa các nước ASEAN chắc chắn sẽ khó khăn. Chúng tôi chỉ xin khuyến nghị Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp rằng, mỗi khi có một quy chuẩn mới trong khuôn khổ ASEAN được ban hành thì cần phải có sự tham vấn rộng rãi và có việc nghiên cứu thấu đáo về tác động của các quy chuẩn kỹ thuật đó tới các doanh nghiệp Việt Nam.