📞

Muốn phát triển bền vững và hội nhập quốc tế: Không thể thiếu vai trò của Phụ nữ!

13:44 | 26/06/2013
“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được coi là không thể thiếu nếu thế giới muốn phát triển bền vững”
Lễ ký văn kiện Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” giai đoạn 2013 – 2016.

Lần đầu tiên điều này được khẳng định đã cách đây 21 năm tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20). Nó cũng đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại tại Hội nghị Bộ Ngoại giao – UNDP năm 2013 “Vai trò của Phụ nữ trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” vừa được Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương (Bộ Ngoại giao) tổ chức tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Bộ Ngoại giao – UNDP “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong năm 2013 do Bộ Ngoại Giao phối hợp với UNDP thực hiện, nhằm trao đổi về một số vấn đề lớn đặt ra đối với công tác bình đẳng giới trong giai đoạn mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2007, tất cả các thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí xác định bình đẳng giới là ưu tiên thứ ba trong tám Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs). Hiện nay, do tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế, hơn lúc nào hết, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ càng trở thành vấn đề được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế và được gắn kết chặt chẽ với các nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Bình đẳng giới đã trở thành tiêu chí đánh giá mức độ dân chủ, công bằng, văn minh của một quốc gia và được đặt trong tổng thể các vấn đề bình đẳng xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, để thực hiện những chiễn lược lớn của đất nước về phát triển và hội nhập quốc tế, việc tận dụng và phát huy mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực nữ, đang trở thành yêu cầu khách quan và ngày càng cấp thiết. Dẫn chứng một nghiên cứu mới nhất của Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ), việc giảm các rào cản để tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động nữ sẽ làm GDP của Hoa Kỳ thêm 9%, GDP của Nhật thêm 16%, GDP của Indonesia, Hàn Quốc thêm 14%... “Vì vậy, đối với Việt Nam, nơi mà phụ nữ đại diện cho 50% dân số và 40% lực lượng lao động của xã hội, thì việc phát huy vai trò và đóng góp của phụ nữ có ý nghĩa quan trọng như thế nào”, Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga nói.

Đề cập đến những thành công của Việt Nam, bà Pratibha Mehta – Điều phối thường trú của Liên hợp quốc cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được tiến triển đáng kể hướng tới hoàn thành các MDGs, trong đó có mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giáo dục, bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Ở khu vực và trên thế giới, không nhiều quốc gia thành công được như Việt Nam. Tuy nhiên, các vấn đề như tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng, bạo lực đối với phụ nữ ở cơ quan và trong gia đình, tiền lương không bình đẳng cho phụ nữ là những thách thức nghiêm trọng với công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam. Khi Việt Nam tiến tới giai đoạn tiếp theo của hội nhập quốc tế, việc tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho phụ nữ, xây dựng năng lực và kỹ năng cho họ, thúc đẩy mạng lưới và các nhóm hỗ trợ là một phần không thể tách rời của chiến lược và tiến trình hội nhập quốc tế., ví dụ, việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí Đại sứ và ngoại giao cấp cao…

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam tuy đạt được những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong sự nghiệp bình đẳng giới, nhưng công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Để đẩy mạnh hơn vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế toàn diện như hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một số ý kiến đáng chú ý. Một là, đổi mới cách tiếp cận và coi bình đẳng giới là mục tiêu và giải pháp cho phát triển bền vững, là một nội hàm của hội nhập quốc tế sâu rộng. Thứ hai, từ đổi mới cách tiếp cận về vấn đề tận dụng nguồn nhân lực nữ, chúng ta cần xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời và triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Thứ ba, cần chú trọng tới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cách tiếp cận mới trong vấn đề bình đẳng giới.

Hội nghị lần này còn có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu việc kết thúc tốt đẹp chương trình hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và UNDP về nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn 5 năm triên khai Dự án, với hơn 200 hoạt động ở các cấp, các ngành, các loại hình, các quy mô khác nhau, Bộ Ngoại giao đã cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương đóng góp cho sự nghiệp bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã chủ động, phối hợp với các cơ quan thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình triển khai đối ngoại toàn diện, tăng cường đóng góp của Việt Nam vào những quan tâm chung, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của đất nước. Thông qua các hoạt động của dự án, Bộ Ngoại giao đã góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế để đóng góp cho đề xuất và xây dựng chính sách trong nước, nâng cao năng lực của đông đảo cán bộ nữ, đặc biệt tại các địa phương, thúc đẩy đồng thuận xã hội về bình đẳng giới.

Hội nghị cũng đã chứng kiến Lễ ký văn kiện Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” giai đoạn 2013 – 2016, khởi động một giai đoạn hợp tác mới.

Minh Anh