Anh Lý Tư Xè từng phải ngồi tù vì ma túy đã phấn đấu cải tạo, trở thành Đảng viên và nay trở thành Bí thư chi bộ bản. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhờ đó, Đảng bộ huyện đạt được kết quả tích cực về xóa bản trắng đảng viên, thành lập mới nhiều chi bộ thôn, bản; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Đặc biệt, Đảng bộ Huyện đã giúp anh Lý Tư Xè - một người dân trong bản từng đi tù vì ma túy, phấn đấu cải tạo, trở thành Đảng viên và nay trở thành Bí thư chi bộ bản.
Anh Lý Tư Xè (sinh năm 1983, dân tộc Hà Nhì, bản Nậm Pác, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên) năm 2005 bị bắt vì tội tàng trữ, buôn bán ma túy. Năm 2008, sau thời gian cải tạo tốt, anh được về với gia đình. Người dân trong bản và chính quyền địa phương luôn quan tâm chia sẻ, anh bắt tay vào gây dựng lại cuộc sống.
Không chỉ gương mẫu đi đầu thực hiện chính sách, anh Xè với vai trò trưởng bản (được bầu năm 2015) đã luôn động viên bà con dân bản yên tâm ổn định đời sống, không di cư tự do nữa. Năm 2017, anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và 2019 được bầu làm bí thư chi bộ bản Nậm Pác.
“Tôi đã phạm sai lầm. Trong quá trình cải tạo, tôi suy nghĩ rất nhiều. Khi trở về, vợ tôi khuyên không đi vào đường cũ, tập trung chăn nuôi để phát triển kinh tế”, anh Xè nhớ lại.
Trước kia gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, con cái nhỏ dại. Giờ đây, cả hai con của anh Lý Tư Xè đã học xong lớp 12, gia đình có ruộng nương cày cấy, chăn nuôi lợn gà và thoát nghèo.
Bản có 37 hộ gia đình với 139 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Hà Nhì. Từ chỗ chỉ có 3-4 đảng viên nay chi bộ của Bí thư Lý Tư Xè đã có 16 đảng viên, sinh hoạt chi bộ định kỳ một tháng/lần.
“Giờ đây tôi chỉ mong muốn được chính quyền, cơ quan chức năng hỗ trợ con giống, cây giống và nhất là kiến thức, kinh nghiệm làm ăn để phát triển kinh tế, chia sẻ với bà con trong bản, giúp đồng bào thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, sinh sống ổn định”, Anh Xè nói.
Mường Nhé là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, người dân tộc thiểu số chiếm tới 93,6% dân số toàn huyện (Mông 64,4%; Hà Nhì 11,7%, Thái 10%; còn lại là các dân tộc khác); đời sống nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn.
Với tiềm năng đất đai màu mỡ, quỹ đất lớn, người dân sống thưa thớt nên trước đây, người dân từ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái ồ ạt di cư về Điện Biên, đặc biệt là Mường Nhé. Điều này gây ra một số vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Kinh tế, cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân huyện Mường Nhé dần được cải thiện. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trước tình hình đó, ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện cho biết, những năm qua, huyện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và tỉnh Điện Biên nên kinh tế dần phát triển ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Ông Nguyện cũng cho biết, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Huyện ủy Mường Nhé triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều đề án, kế hoạch về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt chuyên đề. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ trên địa bàn bản, khu dân cư, điểm bản” và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.
Hằng năm, Huyện ủy Mường Nhé tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn công tác đảng, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề cho bí thư chi bộ trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư huyện ủy Mường Nhé, cho biết: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi phát triển được gần 700 đảng viên, trong đó có hơn 500 đảng viên là dân tộc thiểu số. Huyện xóa xong 38/38 bản trắng về đảng viên, phát triển được 75 chi bộ bản, chỉ còn 10 nơi chưa có tổ chức cơ sở đảng. Chúng tôi đang đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức quần chúng ưu tú là đồng bào sinh hoạt tôn giáo, già làng, trưởng bản".
Theo ông Hưng, hiện nay đã kết nạp được 26 già làng, trưởng bản là đảng viên, trong đó có 12 trưởng bản kiêm Bí thư Chi bộ. Hằng năm, rà soát, biểu dương, nhân rộng mô hình và lựa chọn những người thực sự có uy tín, tiêu biểu như già làng, trưởng bản.
“Họ chính là hạt nhân phong trào trong việc tiếp thu tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo và họ cũng chính là hạt nhân để giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư”, Bí thư huyện Mường Nhé nói.
Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức các đợt sinh hoạt chi bộ chuyên đề theo chủ đề từng năm hoặc theo nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề bức xúc của địa phương. Phân công lãnh đạo cấp huyện và xã về dự một số buổi sinh hoạt chuyên đề với cơ sở; có phiếu đánh giá chất lượng sinh hoạt từng chi bộ.
Với cách làm này, các cấp ủy vừa nắm được tình hình, chất lượng sinh hoạt chi bộ; tinh thần tự phê bình và phê bình được nâng cao, tính chiến đấu của đảng viên và chi bộ nâng lên. Qua đó, góp phần cơ bản ổn định cuộc sống người dân, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
| Đối ngoại Việt Nam 2020: Bản lĩnh và tâm thế mới TGVN. Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ ... |
| Chuyện người lĩnh ấn tiên phong ở xã Sín Thầu TGVN. Thoát ly khỏi vùng đất Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) đầy khó khăn, sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông Pờ ... |
| Truyền thông quốc tế tìm lời giải cho ‘ngọn hải đăng’ Việt Nam, 'điều thần kỳ’ châu Á năm 2020 TGVN. Sự kiên cường giữa đại dịch đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn và tiếp ... |