📞

Mỹ-Afghanistan: Ngổn ngang mối lo an ninh

MỘC TRÀ 13:45 | 22/06/2021
Không khó lý giải khi trọng tâm cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Afghanistan xoay quanh vấn đề an ninh trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Á.
Việc quân đội Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghansitan từ tháng 5 đưa lại nhiều mối lo an ninh cho đất nước Trung Á này.

Nhà Trắng hôm 20/6 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Abdullah Abdullah tại Nhà Trắng vào ngày 25/6 tới.

Cuộc gặp trấn an

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, mục đích cuộc gặp là nhằm thảo luận về việc Mỹ rút quân trong bối cảnh giao tranh giữa các lực lượng Afghanistan và Taliban gia tăng trên khắp đất nước.

Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Afghanistan và phiến quân Taliban gia tăng đột biến kể từ khi Tổng thống Biden hồi tháng 4 tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ Mỹ ra khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ sau gần 20 năm xung đột.

Tại thời điểm ông Biden đưa ra lệnh rút quân, có khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ và 16.000 nhà thầu, chủ yếu là công dân Mỹ, có mặt tại Afghanistan. Hiện Lầu Năm Góc đã chuyển giao một số căn cứ trọng yếu cho các lực lượng an ninh chính phủ và tiến hành vận chuyển hàng trăm đợt trang thiết bị lên máy bay vận tải hàng hóa C-17.

Đồng thời với tiến trình rút quân của Mỹ thì lực lượng Taliban cũng tổ chức các chiến dịch mở rộng ảnh hưởng trên toàn quốc. Ít nhất 30 quận/huyện của Afghanistan đã bị Taliban chiếm giữ.

Tuyên bố ngày 20/6 của Nhà Trắng nêu rằng, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên, Tổng thống Biden sẽ tìm cách trấn an Tổng thống Ghani và ông Abdullah về sự hỗ trợ của Mỹ đối với người dân Afghanistan, bao gồm hỗ trợ ngoại giao, kinh tế và nhân đạo.

Ông Biden cũng sẽ lặp lại cam kết của mình về việc đảm bảo cho đất nước Afghanistan không bao giờ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố.

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: "Chuyến thăm của Tổng thống Ghani và Tiến sĩ Abdullah sẽ làm nổi bật mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Mỹ và Afghanistan...".

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, khi rút các lực lượng quân sự khỏi Afghanistan, Washington vẫn can dự vào tình hình tại quốc gia Trung Á thông qua các hoạt động ngoại giao, kinh tế và hỗ trợ kiến tạo một tương lai hòa bình, ổn định cho người dân nơi đây.

Cho đến nay, tổng số tiền Mỹ viện trợ nhân đạo cho Afghanistan trong tài khóa 2020-2021 là 543 triệu USD.

Chuyến thăm vun vén lợi ích cá nhân?

Phản ứng về chuyến thăm, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết. "Họ (Ghani và Abdullah) sẽ nói chuyện với các quan chức Mỹ để bảo toàn quyền lực và lợi ích cá nhân của họ. Nó sẽ không có lợi cho Afghanistan".

Văn phòng của Tổng thống Ghani chưa có phản ứng chính thức nhưng một quan chức cấp cao của Afghanistan cho biết Tổng thống sẽ tìm kiếm sự đảm bảo từ Mỹ về việc tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan sau khi rút quân.

Chuyến thăm cũng sẽ diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Taliban và đại diện chính phủ Afghanistan tại Qatar đang bị đình trệ. Các quan chức chính quyền Afghanistan cho rằng, phía Taliban vẫn chưa đệ trình một đề xuất hòa bình bằng văn bản có thể được sử dụng làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán thực chất.

Hồi tháng 5, các nhà phân tích tình báo Mỹ dự đoán những tiến bộ đạt được trong việc trao quyền cho phụ nữ Afghanistan sẽ bị kéo lùi nếu lực lượng Taliban giành lại quyền lực điều hành quốc gia.

Ưu tiên đảm bảo an ninh cho nhân viên Afghanistan

Những người Afghanistan làm việc cho Mỹ trong suốt hai thập niên qua lo sợ mục tiêu các cuộc nổi dậy của lực lượng Taliban sẽ nhắm vào họ và gia đình của họ vì đã giúp đỡ các lực lượng nước ngoài.

Trước những lo ngại đó, các quốc gia tham gia liên minh quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu đã có các chính sách tạo điều kiện cho nhân viên Afghanistan làm việc cho họ được nhập cảnh những quốc gia này. Thời gian qua, Anh, Bỉ… đã bố trí cho nhân viên người Afghanistan nhập cảnh, xem đây như là "nghĩa vụ đạo đức" cần phải làm.

Tương tự, chính quyền Tổng thống Biden cũng bổ sung thêm nhân sự để thúc đẩy việc cấp thị thực cho người Afghanistan làm việc cho Mỹ mong muốn định cư ở Mỹ. Tuy nhiên, những người mong muốn được tị nạn ở Mỹ lại cho rằng những nỗ lực trên diễn ra chưa đúng như kỳ vọng của họ.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 20/6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, vấn đề cấp thị thực cho người Afghanistan muốn định cư ở Mỹ là "ưu tiên hàng đầu" đối với ông Biden và chính phủ đang tìm cách đưa các nhân viên người Afghanistan làm việc cho Mỹ rời Afghanistan "với tốc độ kỷ lục".

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cũng cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đang chỉ đạo việc thu xếp đưa các phiên dịch viên và những người khác từng làm việc cho lực lượng Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 18.000 người từng làm các công việc hỗ trợ liên quân ở Afghanistan đang chờ quyết định cấp thị thực để nhập cư vào Mỹ.

Trước thực trạng lực lượng Taliban gia tăng các cuộc tấn công trong thời gian gần đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói, quân đội nước này có thể giảm tốc độ rút quân khỏi Afghanistan.

Phát biểu trước báo giới ngày 21/6, ông Kirby khẳng định, thời hạn chót rút quân khỏi Afghanistan của chính quyền Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 tới vẫn có hiệu lực, nhưng tốc độ rút quân có thể được điều chỉnh căn cứ trên tình hình thực tế.

Trong gần 20 năm xung đột tại Afghanistan, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

(theo Ctvnews/Reuters)