📞

Mỹ, Ai Cập lên tiếng về việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý điều quân đến Libya

06:31 | 03/01/2020
TGVN. Ngày 2/12, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua kiến nghị cho phép Chính phủ nước này triển khai quân đội ở Libya trong thời hạn một năm, với 325 phiếu ủng hộ và 184 phiếu chống.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý điều quân đến Libya. (Nguồn: Anadolu)

Động thái của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm cụ thể hoá thoả thuận hợp tác an ninh giữa Ankara và Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được ký kết ngày 27/11/2019.

Hội đồng nhà nước cấp cao Libya, có trụ sở tại Tripoli, đã bày tỏ đánh giá cao và hoan nghênh quyết định này.

Quyết định này sẽ có tác động đáng kể đến cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở xung quanh và tại thủ đô Tripoli, giữa Quân đội miền Đông (LNA) và các lực lượng ủng hộ GNA.

Phản ứng về động thái trên, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ sự "can thiệp của nước ngoài" nào tại Libya.

Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley thông báo, trong cuộc điện đàm, ông Trump đã nhấn mạnh rằng sự can thiệp của nước ngoài đang làm phức tạp tình hình tại Libya.

Cùng ngày, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tuyên bố trên, Ai Cập nhấn mạnh rằng quyết định cho phép triển khai quân đội tới Libya được coi là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với vấn đề Libya, đặc biệt là nghị quyết 1970 (2011) vốn áp đặt lệnh cấm hợp tác quân sự với quốc gia Bắc Phi này. Bên cạnh đó, 2 biên bản ghi nhớ (MoU) mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ký với Thủ tướng GNA Fayez Al-Sarraj cũng vi phạm thỏa thuận Skhirat.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho rằng hành động can thiệp quân sự tại Libya sẽ đe dọa an ninh Arab nói chung và an ninh quốc gia Ai Cập nói riêng. Cairo khẳng định quan điểm phản đối bất kỳ hành vi can thiệp nào từ bên ngoài vào Libya, lập trường vốn đã được Liên đoàn Arab (AL) thông qua trong cuộc họp khẩn hôm 31/12 vừa qua.

Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng bất kỳ động thái triển khai quân của Ankara tới Libya cũng có thể tác động tiêu cực tới sự ổn định của khu vực Địa Trung Hải.

Từ đầu tháng 4/2019, lấy danh nghĩa truy quét tàn dư của khủng bố, LNA - dưới sự chỉ huy của Tướng Haftar, đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli, vốn thuộc quyền kiểm soát của GNA.

Đến nay, giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo. Dư luận đang lo ngại về một cuộc nội chiến mới và thảm hoạ nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.

(theo AFP, Reuters)