📞

Mỹ - Ấn Độ gần đạt đến một thỏa thuận thương mại

Châu Khánh Tâm 13:50 | 07/01/2020
TGVN. Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Harsh Vardhan Shringla đã đưa ra nhận định lạc quan trong thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ, trong buổi tiệc chia tay do nhóm thương gia Ấn - Mỹ tổ chức dành cho ông tại Thủ đô Washington mới đây.
Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Harsh Vardhan Shringla đón tiếp Thủ tướng Narendra Modi trong chuyến thăm Mỹ của ông vào tháng 9/2019. (Nguồn: The Hindu)

Theo Đại sứ Harsh Vardhan Shringla, thỏa thuận thương mại mà Ấn Độ và Mỹ gần đạt được sẽ giúp tăng cường hoạt động thương mại giữa hai quốc gia. Tuy vậy, nhà ngoại giao kỳ cựu không cho biết, thỏa thuận thương mại được mong chờ này sẽ được ký kết vào thời gian nào.

Thỏa thuận thương mại này lần đầu tiên được đưa ra bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông gặp Thủ tướng Ấn Độ vào tháng 9 năm ngoái bên lề Hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Vào ngày 24/9, Tổng thống Trump nói rằng, nước Mỹ sẽ sớm có một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Theo Đại sứ Shringla, việc ký kết thỏa thuận này sẽ mở đường cho mối quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nền dân chủ lớn nhất trên thế giới. Đặc biệt, các doanh nghiệp của hai quốc gia sẽ được lợi rất lớn từ thỏa thuận.

Đại sứ Shringla cho rằng, Ấn Độ và Mỹ có thể nhìn thấy nhiều triển vọng trong tương lai. Ông cho biết, thương mại song phương Ấn - Mỹ đã tăng trưởng cực kỳ ấn tượng trong thập kỷ vừa qua và được kỳ vọng sẽ vượt qua con số 160 tỷ USD vào năm 2019.

Nhận định nền kinh Ấn Độ và Mỹ có nhiều điểm tương đồng, Đại sứ Shringla cho rằng, mối quan hệ hợp tác song phương này không chỉ hạn chế trong những mối quan hệ cá nhân giữa người với người, mà còn bao gồm các mối quan hệ kinh tế và chiến lược.

Đại sứ Harsh Vardhan Shringla sẽ đảm trách vị trí Bí thư Đối ngoại của Ấn Độ vào cuối tháng này. Trong sự nghiệp ngoại giao hơn 35 năm, ông từng là Đại sứ Ấn Độ tại Bangladesh và Thái Lan, từng công tác tại Phái đoàn Thường trực Ấn Độ tại Liên hợp quốc, Đại sứ quán Ấn Độ tại Pháp, Việt Nam, Israel và Nam Phi.

(theo The Hindu)