📞

Mỹ - Anh: Quan hệ đặc biệt có nhạt màu?

12:22 | 06/03/2009
Với chuyến thăm Mỹ từ 3-4/3, Thủ tướng Anh Brown trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ông cũng là Thủ tướng thứ 5 của Anh được mời phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ về “mối quan hệ đặc biệt Anh – Mỹ”. Ông có quan hệ khá tốt với một số nhân vật quan trọng trong Nhà Trắng. Nhưng tất cả điều đó chưa đủ khiến chuyến công du đến Washington lần này gặt hái nhiều kết quả như mong muốn.
(Ảnh: AP)

Nói trong cuộc gặp với ông Brown, ông Obama tiếp tục khẳng định “mối quan hệ đặc biệt” giữa London và Washington. Nhưng rõ ràng, đây không phải là kiểu quan hệ nồng ấm và suôn sẻ như thời Thủ tướng Thatcher với Tổng thống Reagan hay giữa Bush và Blair.

 

Bởi vì ông Obama không có cảm giác mang ơn với ông Brown, như ông G.Bush từng có với ông Blair do sự ủng hộ nhiệt tình mà Anh dành cho Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq. Ngược lại, Tổng thống Obama phản đối cuộc chiến đó. Ngoài ra, trong khi Mỹ cần đồng minh tăng cường hỗ trợ cho Afghanistan thì ông Brown lại không đưa ra đề xuất mới nào, vì nghĩ rằng Anh đã làm đủ phần việc của mình ở Afghanistan! Ông Obama được người Mỹ bỏ phiếu ủng hộ vì họ không có gì đổ lỗi cho ông trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Họ tin rằng trách nhiệm thuộc về người tiền nhiệm của ông. Trong khi đó, ông Brown lại là Thủ tướng từ thời ông Bush còn làm Tổng thống, đấy là chưa kể trước đó ông lại là Bộ trưởng Tài chính, nên không khỏi không có liên quan. Do vậy, ông Obama có thể sẽ giữ một khoảng cách nhất định.

 

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn thực sự xem Anh là một người bạn trung thành, và sẽ không mong muốn làm mếch lòng người bạn này. Và nếu ông Brown muốn người Mỹ trở thành những nhà đồng kiến tạo bản “Thỏa thuận Toàn cầu Mới” nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu mà ông đề xuất, người Mỹ sẽ không chế nhạo nó, kể cả khi văn bản này có đáng bị như vậy.

 

Ngoài ra, không phải là không có cơ hội hợp tác, vì cả Mỹ và Anh hiện đang cùng có mối quan tâm khắc phục nạn thất nghiệp. Trên phạm vi rộng hơn, những vấn đề từ an ninh tới kinh tế, từ tương lai của các định chế tài chính như IMF tới hợp tác về biến đổi khí hậu, cả hai nước đều có chung lợi ích và có thể hợp tác. Một mối quan hệ ít đặc biệt hơn nhưng thực chất hơn sẽ tốt hơn cho cả hai.

 

Phương Nguyên