Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ: Báo động tình trạng gia tăng số ca mất thị lực và tử vong do thuốc nhỏ mắt nhiễm khuẩn

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này đang gia tăng số ca mất thị lực và tử vong do dùng thuốc nhỏ mắt bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginos), một chủng vi khuẩn kháng thuốc hiếm gặp.
Mỹ bùng phát “dịch” thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn
Hàng loạt ca nhiễm trùng mắt do sử dụng thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn đã được ghi nhận ở Mỹ. (Nguồn: AdobeStock/mala)

Hậu quả nghiêm trọng

Thống kê của CDC cho thấy, đến ngày 18/5, tại 18 tiểu bang Mỹ ghi nhận 81 người bị nhiễm khuẩn, 5 người chết (trong đó có 4 người phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu) và 14 người mất thị lực.

Pseudomonas aeruginos là trực khuẩn Gram âm hiếu khí, gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau cho con người như nhiễm trùng đường ruột, đường tiết niệu, viêm phổi, viêm da, tấn công vào các vết thương, vết mổ của người bệnh và gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết nặng.

Vi khuẩn Pseudomonas aeruginos phổ biến trong môi trường tự nhiên, chẳng hạn đất và nước, thường lây lan trong các cơ sở y tế. Năm 2017, nó đã gây ra hơn 32.000 ca nhiễm trùng ở bệnh nhân nhập viện, khoảng 2.700 ca tử vong tại Mỹ.

Các dấu hiệu nhiễm trùng mắt có thể bao gồm: Chảy nước mắt màu vàng, xanh lá cây hoặc trong suốt; có thể đau hoặc khó chịu ở mắt, đỏ mắt hoặc mí mắt, cảm giác có dị vật, nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ.

Hiện nay, CDC đang hợp tác với Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cùng các sở y tế của tiểu bang và địa phương để điều tra sự bùng phát của chủng Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc rộng rãi này. Chủng bùng phát mới được gọi tên là VIM-GES-CRPA, chưa từng được báo cáo ở Mỹ trước đây.

CDC đặc biệt lo ngại và cảnh báo rằng, Pseudomonas aeruginos có thể lây lan từ người sử dụng thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn sang những người không sử dụng thuốc nhỏ.

Hàng loạt sản phẩm không đạt chất lượng

Tại Mỹ, các trường hợp nhiễm trùng này liên quan đến 10 nhãn hiệu thuốc nhỏ mắt, phổ biến nhất là nước mắt nhân tạo EzriCare của hãng dược phẩm Global Pharma Healthcare. Thuốc nhỏ mắt được phân phối bởi EzriCare và Delsam Pharma.

Mỹ bùng phát “dịch” thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn
Nhãn hiệu nước mắt nhân tạo EzriCare. (Nguồn: EzriCare)

Sự bùng phát có liên quan đến nhiều loại bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng mắt. Cuộc điều tra đã xác định nước mắt nhân tạo EzriCare là tình trạng phơi nhiễm phổ biến đối với nhiều bệnh nhân.

Nước mắt nhân tạo EzriCare, một sản phẩm không kê đơn, không có chất bảo quản được đóng gói trong các chai đa liều, là sản phẩm bị nhiễm khuẩn được báo cáo nhiều nhất.

Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của CDC đã xác định được sự hiện diện của vi khuẩn VIM-GES-CRPA trong các chai EzriCare đã mở nắp có ở nhiều lô khác nhau. Những chai này được thu thập từ các bệnh nhân bị và không bị nhiễm trùng mắt ở hai tiểu bang của Mỹ.

FDA đã tiến hành thử nghiệm các chai nước mắt nhân tạo EzriCare chưa mở nắp và cũng xác định có nhiễm vi khuẩn này.

FDA khuyến khích các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân báo cáo các biến chứng hoặc các vấn đề về chất lượng với bất kỳ loại thuốc nào cho chương trình MedWatch của cơ quan này. Người tiêu dùng cũng có thể báo cáo các phản ứng không mong muốn của thuốc bằng cách liên hệ với Điều phối viên khiếu nại người tiêu dùng của FDA.

Trước đó, từ hồi tháng 2, sản phẩm nước mắt nhân tạo EzriCare của Global Pharma Healthcare bị thu hồi do không đảm bảo chất lượng.

Theo báo cáo của FDA, cơ quan này đã kiểm tra quy trình sản xuất của nhà máy Global Pharma trong 11 ngày. Kết quả, quy trình sản xuất lô sản phẩm từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2022 chưa đảm bảo về mức độ vô trùng.

CDC cảnh báo

Ngay khi tiếp nhận thông tin các ca nhiễm khuẩn, CDC và FDA khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng ngừng kê đơn và bệnh nhân ngừng sử dụng cũng như loại bỏ sản phẩm nước mắt nhân tạo EzriCare cùng hai sản phẩm bổ sung được sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất là nước mắt nhân tạo của Delsam Pharma và thuốc mỡ tra mắt của Delsam Pharma cho đến khi có hướng dẫn bổ sung.

Mỹ bùng phát “dịch” thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn
Hình ảnh vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa hình que soi dưới kính hiển vi điện tử. (Nguồn: CDC Mỹ)

Theo CDC, các chủng VIM-GES-CRPA liên quan đến đợt bùng phát này đã kháng thuốc trên diện rộng, các thuốc bao gồm cefepime, ceftazidime, piperacillin-tazobactam, aztreonam, carbapenem, ceftazidime-avibactam, ceftolozane-tazobactam, fluoroquinolones, polymyxin, amikacin, gentamicin và tobramycin

Tuy nhiên, có một nhóm nhỏ gồm 3 chủng VIM-GES-CRPA được phân lập dường như vẫn nhạy cảm với thuốc cefiderocol. Mặc dù vậy, các bác sĩ nên tham khảo ý kiến các chuyên gia để xác định kế hoạch điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc rộng rãi này.

Do lo ngại về sự lây lan của vi khuẩn này trong các cơ sở y tế, CDC khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nhiễm Pseudomonas aeruginosa VIM-GES-CRPA nên tuân thủ các khuyến nghị về kiểm soát nhiễm khuẩn để ngăn ngừa lây truyền chéo sang các bệnh nhân khác, vì những vi khuẩn này có khả năng lây lan nhanh chóng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

CDC khuyến nghị nên cách ly bất kỳ bệnh nhân nào bị nhiễm VIM-GES-CRPA trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và sử dụng các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc.

Mỹ: Tìm ra ‘manh mối’ về khả năng kháng ngự HIV tự nhiên mà không cần dùng thuốc ở một số người

Mỹ: Tìm ra ‘manh mối’ về khả năng kháng ngự HIV tự nhiên mà không cần dùng thuốc ở một số người

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, những người nhiễm HIV có khả năng tự động tiêu diệt HIV và ngăn không cho nó gây ...

Chính phủ Mỹ sắp cạn tiền mặt

Chính phủ Mỹ sắp cạn tiền mặt

Theo hãng tin Bloomberg, tính đến ngày 18/5, chính phủ Mỹ chỉ còn 57,3 tỷ USD - mức ít nhất kể từ cuối năm 2021. ...

Mỹ tuyên bố ưu tiên kế hoạch chuyển F-16 cho Ukraine, khẳng định không khuyến khích Kiev làm một việc

Mỹ tuyên bố ưu tiên kế hoạch chuyển F-16 cho Ukraine, khẳng định không khuyến khích Kiev làm một việc

Trong cuộc gặp nhóm quan sát viên quân sự ở Washington ngày 22/5, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết, các máy bay ...

Nhật Bản kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn, Trung Quốc nói gì?

Nhật Bản kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn, Trung Quốc nói gì?

Ngày 23/5, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản đối với ...

Cannes 2023: Dịp ‘tụ tập’ của các siêu du thuyền

Cannes 2023: Dịp ‘tụ tập’ của các siêu du thuyền

Siêu du thuyền trị giá 500 triệu USD của ông chủ Amazon Jeff Bezos cùng nhiều chiếc du thuyền với giá hàng chục triệu USD ...

(theo Drugs.com)