📞

Mỹ ‘bật đèn xanh’ để Israel bán hệ thống phòng không cho Phần Lan, hối thúc Triều Tiên đáp lời về số phận binh sĩ vượt biên

Thu Nhi 08:07 | 04/08/2023
Ngày 3/8, Mỹ đồng ý để Israel bán hệ thống phòng không mà hai bên đồng phát triển cho Phần Lan, hối thúc Triều Tiên đáp lời về quân nhân Travis King.
Phần Lan sẽ nhận tên lửa, bệ phóng, hệ thống radar theo thỏa thuận trị giá 345 triệu USD. Ảnh minh họa. (Nguồn: AA)

Với thương vụ mua bán hệ thống phòng không trị giá lên đến 346 triệu USD, Phần Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu hệ thống tầm trung và tầm xa được gọi là David's Sling, Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố.

Tuyên bố của Bộ này còn cho biết, phiên bản hệ thống phòng thủ tên lửa của Phần Lan sẽ được phát triển bởi công ty Rafael, công ty Raytheon của Mỹ và các ngành công nghiệp Phần Lan.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa Tel Aviv, Helsinki cùng công ty quốc doanh Rafael Advanced Defense Systems của Israel, "Israel sẽ bán Hệ thống vũ khí David's Sling cho Phần Lan, bao gồm các tên lửa đánh chặn do Israel và Mỹ đồng sản xuất, các bệ phóng tên lửa và hệ thống radar do Israel sản xuất".

Hệ thống David's Sling do Israel và Mỹ cùng phát triển vào năm 2017, có thể đánh chặn máy bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa tầm trung đến tầm xa của đối phương.

Tel Aviv cho biết, nó lần đầu tiên được sử dụng trong trận chiến tích cực chống lại tên lửa bắn từ Dải Gaza trong các cuộc tấn công của Israel vào khu vực vào tháng 5 năm nay.

Thương vụ này diễn ra sau khi các phương tiện truyền thông Israel đưa tin về việc Tel Aviv có thể đẩy mạnh xuất khẩu quốc phòng sang các quốc gia phương Tây trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.

"Việc chính phủ Mỹ cấp phép bán David's Sling, một hệ thống do Israel và Mỹ đồng phát triển, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc hiện thực hóa thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Phần Lan", theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.

Thỏa thuận "lịch sử" cho phép nhà thầu Rafael lần đầu tiên xuất khẩu hệ thống phòng không tiên tiến này cho khách hàng nước ngoài. Đây là sản phẩm hợp tác chung giữa các doanh nghiệp Israel với Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ và tập đoàn chế tạo vũ khí Raytheon của Washington. Để được xuất khẩu, Israel cần có sự cho phép của Mỹ.

David’s Sling được thiết kế để đánh chặn các loại vũ khí trên không ở tầm trung và tầm xa. Hệ thống này được đánh giá là có khả năng linh hoạt, giá cả phải chăng. Tên lửa đánh chặn được chế tạo ở Mỹ và được Israel cải tiến, có tốc độ tối đa Mach 7,5 và đánh chặn mục tiêu cách xa tới 300km.

Từ tháng 4, Phần Lan đã nhất trí với thương vụ này và sau khi được Mỹ "bật đèn xanh", Helsinki sẽ sớm ký bản ghi nhớ với Rafael để thúc đẩy thương vụ.

Hiện nay, một khách hàng khác ở châu Âu là Đức cũng đang xúc tiến thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Arrow-3 của Israel.

Trong một diễn biến khác cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang nỗ lực nắm bắt thêm thông tin về sự an toàn của binh sĩ Travis King, người đã vượt biên vào Triều Tiên hồi tháng trước.

Ông Blinken nêu rõ: “Chúng tôi hiện đang nỗ lực nắm bắt thêm thông tin về nơi ở cũng như tình trạng sức khỏe của anh ấy, và chúng tôi đơn giản là không có những thông tin này”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết thêm rằng Mỹ cũng nỗ lực đưa quân nhân Travis King trở về nhà an toàn.

Trước đó một ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Matthew Miller cho biết Bình Nhưỡng đã liên hệ với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) để thông báo rằng Triều Tiên đã nhận được những thông điệp trước đó của UNC về binh sĩ Travis King, nhưng không xác nhân sự an toàn và nơi ở của binh sĩ này. Ông Blinken nói: “Chúng tôi đã hỏi những câu hỏi đó. Họ chưa trả lời chúng tôi”.

(theo Yonhap, Reuters, AA)