Mỹ đưa đặc nhiệm đóng quân ở láng giềng với Nga. (Ảnh minh họa, Nguồn: dvidshub) |
Theo hãng tin trên, trước đó truyền thông Estonia đã biết rằng, một trung đoàn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai tại thành phố Tapa, tuy nhiên, các phóng viên biết về việc triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở nước này thông qua các tài liệu của Lầu Năm Góc, trong đó cho thấy, Mỹ đã dành 15 triệu USD để duy trì một “chủ thể cụ thể“ ở Estonia.
Theo đó, đây là một căn cứ bí mật, được xây dựng năm 2014, để huấn luyện các binh sĩ lực lượng đặc nhiệm. Điều đáng chú ý là các đại diện truyền thông Estonia đã tiến hành tham quan cơ sở bí mật này với điều kiện họ không được tiết lộ địa điểm của nó.
Tờ báo dẫn lời sĩ quan cao cấp của lực lượng đặc nhiệm châu Âu Kevin Stringer cho biết: “Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Estonia đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy đặc nhiệm châu Âu tại Stuttgart. Nghĩa là, họ tuân thủ quyền chỉ huy của Lực lượng Vũ trang Mỹ, thông qua bộ chỉ huy ở châu Âu”.
Đồng thời, quân đội Mỹ cũng nói rõ rằng, trong những “thời điểm khủng hoảng”, các binh sĩ đặc nhiệm sẽ báo cáo trực tiếp với Bộ Chỉ huy ở Washington.
Theo lời ông Stringer, hiện đang diễn ra hoạt động huấn luyện kết hợp giữa lực lượng đặc nhiệm Mỹ với đặc nhiệm Estonia.
Liên quan đến tình hình trên Biển Baltic, ngày 4/9, theo thông cáo báo chí của NATO, các binh sĩ thuộc khối quân sự này đang tiến hành cuộc tập trận ở phía Bắc biển này với sự tham gia của 3.000 nhân viên và 40 tàu chiến từ 18 quốc gia.
Cuộc tập trận được tiến hành tại khu vực Eo biển Đan Mạch, nơi kết nối vùng Biển Baltic và Biển Bắc. Người pPhát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết Biển Baltic có tầm quan trọng sống còn đối với Liên minh, được bao bọc bởi 6 quốc gia NATO.
Theo người phát ngôn, môi trường an ninh trong khu vực đã "xuống cấp" sau khi Nga sáp nhập Crimea và tiếp tục phát triển quân đội. Do đó, NATO đã triển khai 4.000-5.000 binh sĩ ở các nước Baltic và Ba Lan gần biên giới với Nga.
Đây là một cuộc tập trận thường niên diễn ra ở Biển Baltic từ năm 2007. Nó được tổ chức bởi từng quốc gia Baltic khác nhau mỗi năm.
Theo kịch bản, một quốc gia trong khu vực đòi các yêu sách lãnh thổ đối với các đảo trên Biển Baltic, sử dụng lực lượng hải quân của mình để đe dọa tự do hàng hải.
Theo lệnh của LHQ, các lực lượng đồng minh và đối tác sẽ tìm cách khôi phục tự do hàng hải. Cuộc diễn tập cũng bao gồm những hoạt động giám sát hàng hải, chiến đấu trên biển, phòng không, chiến tranh chống tàu ngầm và rà phá bom mìn.
Bỉ, Đan Mạch, Đức, Estonia, Phần Lan, Pháp, Ý, Canada, Croatia, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh và Mỹ tham gia cuộc tập trận với tàu và máy bay chiến đấu trong khi Nhóm xử lý bom mìn thường trực của NATO (SNMCMG1) cũng sẽ được triển khai.