Trong một bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ được đăng trên tờ New York Times số ra ngày 11/2, lãnh đạo các tập đoàn như General Motors, Facebook, Coca Cola, Apple, Amazon, Google, AT&T và Microsoft cùng nhiều cá nhân uy tín khác cho rằng thế hệ người nhập cư này mang lại các lợi ích cho nền kinh tế Mỹ và là nguồn lực lao động tận tụy của nước này.
Các lãnh đạo tập đoàn hối thúc Quốc hội hành động để định đoạt số phận của những người nhập cư trên thay vì chờ đợi phán quyết từ các tòa án.
Nội dung bức thư nêu rõ những nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế đều chỉ ra nếu Quốc hội không hành động nhanh chóng, nền kinh tế Mỹ có thể thiệt hại 350 tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chính phủ liên bang có thể thất thu 90 tỷ USD tiền thuế.
Các nhà hoạt động kêu gọi bảo vệ những người nhập cư được đưa tới Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ, còn gọi là thế hệ "Dreamer". |
Lời kêu gọi của các lãnh đạo tập đoàn, đại diện cho 50% người lao động trong lĩnh vực tư nhân tại Mỹ, đã góp thêm tiếng nói quan trọng cho phe bảo vệ những người nhập cư được nuôi dưỡng và lớn lên tại Mỹ.
Trong một chiến dịch kéo dài gần 20 năm, các nhà hoạt động tại quốc gia này đã kêu gọi các nghị sĩ thông qua đạo luật DREAM Act cho phép những thế hệ "Dreamer" trở thành dân cư hợp pháp và mở đường cho họ xin quốc tịch Mỹ.
Thế hệ "Dreamer" vốn được Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) bảo vệ. DACA được cựu Tổng thống Barack Obama phê chuẩn từ năm 2012.
Chương trình này đã cho phép hơn 700.000 người nhập cư xin trì hoãn trục xuất và làm việc hợp pháp nếu đáp ứng được các điều kiện đề ra.
Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tuyên bố hoãn áp dụng chính sách này năm 2017 dù theo phán quyết tòa án chính sách này vẫn có hiệu lực.
Hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã đề xuất gia hạn quyền bảo vệ với thế hệ "Dreamer" để đổi lại sự nhượng bộ từ phe Dân chủ trong các cuộc đàm phán về vấn đề cấp ngân sách cho dự án xây dựng bức tường biên giới với Mexico. Tuy nhiên, hầu hết các nghị sĩ Dân chủ đã phản đối đưa vấn đề này vào các cuộc đàm phán.