📞

Mỹ cảnh báo chính quyền người Kurd ở Iraq về trưng cầu ý dân

08:30 | 21/09/2017
Ngày 20/9, Mỹ cảnh báo sẽ không thể giúp khu vực người Kurd thương lượng một thỏa thuận tốt hơn với Chính phủ Iraq nếu họ kiên quyết tiến hành trưng cầu ý dân về nhà nước độc lập. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ Mỹ hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq chấp nhận đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền trung ương về mọi vấn đề liên quan, trong đó có tương lai mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Liên hợp quốc (LHQ) và Mỹ cùng các đối tác khác thúc đẩy cuộc đối thoại này. 

Theo bà, nếu như cuộc trưng cầu này được tiến hành, sẽ có khó có khả năng đàm phán với Baghdad và đề nghị này của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy thương lượng sẽ bị rút lại. Khẳng định Mỹ phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu ý dân, quan chức ngoại giao Washington nhấn mạnh vấn đề này nên được giải quyết trong cuộc đàm phán do Mỹ và LHQ chủ trì.

Một người Kurd ở Iraq giơ cao lá cờ của người Kurd trong một sự kiện cổ động người dân bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân tại Erbil, thủ đô của khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq. (Nguồn: AFP)

Mỹ vốn duy trì mối quan hệ thân thiện với chính quyền người Kurd tại Bắc Iraq. Tại một số khu vực, Mỹ phải dựa vào các tay súng người Kurd trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng cuộc trưng cầu ý dân sẽ làm gián đoạn chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và gây bất ổn cho Chính phủ của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. 

Trước đó ngày 7/6, Chính quyền khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq thông báo lên kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu về độc lập của người Kurd vào ngày 25/9, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Baghdad và một số nước trong khu vực. Các nước láng giềng của Iraq là Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối kế hoạch này do lo ngại một nhà nước độc lập của người Kurd có thể kích động chủ nghĩa ly khai tại những quốc gia có người Kurd sinh sống. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng nước này sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq nếu cuộc trưng cầu ý dân về độc lập vẫn được tổ chức. Trong một động thái phản ứng với kế hoạch trưng cầu ý dân của người Kurd, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của khoảng 100 phương tiện quân sự, chủ yếu là xe tăng, ngay gần khu vực cửa khẩu Habur giáp miền Bắc Iraq từ ngày 18-26/9. 

Trong khi đó, Saudi Arabia cũng đã đã hối thúc lãnh đạo khu vực người Kurd, ông Massoud Barzani, hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân nhằm tránh gây ra thêm các cuộc xung đột tại Iraq và khu vực Trung Đông. 

Báo cáo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cũng nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì cuộc trưng cầu này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý.

ICG lưu ý rằng những hậu quả chính trị của sự kiện chính trị này có thể sẽ rất nghiêm trọng. Khi IS bị đánh bại, các thành phần chủ chốt trong cấu trúc quyền lực của Iraq một lần sẽ phải được đưa ra đàm phán lại, bao gồm các vấn đề phân quyền, tổ chức và triển khai các lực lượng an ninh, cán cân quyền lực nội bộ bên trong cộng đồng người Hồi giáo Shi'ite chiếm đa số cũng sự cạnh tranh ảnh hưởng tại Iraq giữa Mỹ và Iran.

(theo AP)