📞

Mỹ cảnh báo 'giai đoạn mới' ở Biển Đông khi trừng phạt công ty Trung Quốc

Thu Hiền 22:00 | 01/09/2020
TGVN. Nếu như lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc không quá tác động đến các công ty trong danh sách đen này, các chuyên gia cho rằng, động thái mới của Mỹ sẽ chỉ như “phát súng cảnh báo cho thấy Washington sẽ bước vào giai đoạn mới ở Biển Đông”.
Mỹ gia tăng các biện pháp phản ứng trước những hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

Các "ông lớn" vẫn tỏ vẻ tự tin

“Ông lớn” Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), một trong số 24 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì tham gia xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông tuyên bố các đòn trừng phạt của Washington sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty chuyên cung cấp dịch vụ và thiết bị lắp ráp giàn khoan, nạo vét và xây dựng này. Tuy nhiên, nghi ngại về nguy cơ danh tiếng của các công ty con của CCCC tại Australia và Mỹ có thể bị tổn hại, trong đó có một công ty con tại bang Texas.

Hôm 26/8, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 24 công ty quốc doanh Trung Quốc, trong đó có 5 công ty con của CCCC, vào danh sách bị trừng phạt do có vai trò trong việc hỗ trợ “quân sự hóa” (phi pháp-PV) các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông. Theo lệnh trừng phạt trên, các công ty của Mỹ không được phép làm ăn kinh doanh với các công ty trong danh sách đen này hoặc không được phép xuất khẩu sản phẩm cho các công ty này trừ khi các công ty Mỹ có được giấy phép đặc biệt.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ này tiếp diễn căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi năm 2016, hình ảnh vệ tinh cho thấy một công ty con của CCCC đào cát dưới đáy biển và đổ lên các rạn san hô ở Biển Đông, bao gồm Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập.

Mặc dù có thể không gây ra tác động trực tiếp, song tồn tại những nghi vấn cách thức mà các công ty con ở nước ngoài của CCCC, trong đó gồm công ty xây dựng hàng hải Friede & Goldman có trụ sở ở bang Texas, có thể giao dịch thương mại với công ty mẹ. Friede & Goldman chuyên thiết kế dịch vụ và thiết bị giàn khoan dầu khí ngoài khơi. Công ty này có các dự án ở Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Mexico và Trung Đông. Tuy nhiên, hồ sơ trên trang mạng của công ty này không có thông tin nào cho thấy họ có dự án với các công ty của Mỹ.

Ông Nicholas Turner, chuyên gia về các trừng phạt kinh tế và kiểm soát xuất khẩu, cho rằng biện pháp mới của Mỹ đối với 24 công ty nói trên chỉ mang tính “hạn chế kinh tế”, chứ không phải là trừng phạt vì các công ty Mỹ không làm ăn kinh doanh với các công ty trong danh sách đen, nên họ sẽ không chịu ảnh hưởng. Ông Turner cũng cho rằng biện pháp này của Mỹ chỉ giống như “phát súng cảnh báo cho thấy Washington sẽ bước vào giai đoạn mới ở Biển Đông”.

Căng thẳng gia tăng

Một công ty con khác của CCCC có nguy cơ đối mặt với tác động từ biện pháp nói trên của Mỹ là John Holland, một trong những tập đoàn xây dựng và kỹ thuật lớn nhất của Australia, song CCCC là chủ sở hữu toàn phần. Giới chuyên gia cho rằng mặc dù John Holland không liên can trực tiếp, song mối quan hệ của nó với công ty mẹ có thể ảnh hưởng đến khả năng của John Holland giành được các hợp đồng ngay tại Australia. Ngoài ra, hiện chính phủ liên bang Australia đang tăng cường vai trò quản lý và giám sát đối với các mối quan hệ kinh tế giữa chính phủ các bang và địa phương của Australia với các công ty của Trung Quốc.

Tờ SCMP cho rằng động thái trừng phạt của Mỹ có thể gây thêm căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington, chứ không gây tác động về mặt kinh tế đối với CCCC hoặc các công ty khác như Công ty Công nghệ Điện tử Trung Quốc với các công ty con nằm trong số 24 công ty mới bị đưa vào danh sách đen nói trên.

Một chuyên gia khác về trừng phạt thương mại cho rằng CCCC và các công ty khác bị đưa vào danh sách đen sẽ chỉ chịu tác động chỉ khi họ phụ thuộc nhiều vào hàng hóa, phần mềm và công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, một điều đáng lưu tâm là CCCC lại “có chân cứng” trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Do đó, việc trừng phạt các công ty con của CCCC sẽ gây khó khăn cho các đối tác tham gia sáng kiến này vì họ sẽ phải tìm cách không để các công ty của Mỹ tham gia vào những dự án thuộc sáng kiến đó.

Theo hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, CCCC hiện tham gia 923 dự án ở 157 quốc gia và sự can dự này đã được sử dụng để xác định liệu một dự án nào đó có phải là một phần của mạng lưới BRI hay không.

(theo SCMP)