Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bộ tư lệnh hàng không vận tải quân sự Colombia. (Nguồn: The Los Angeles Times) |
Ngày 3/10, quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động chuyến thăm kéo dài một tuần tới 3 quốc gia Mỹ Latinh vừa có các nhà lãnh đạo mới thuộc cánh tả, nhằm tìm kiếm lập trường chung trong một loạt các vấn đề, bao gồm di cư, buôn bán ma túy và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công tác tại Bogota (Colombia), nơi ông có có cuộc gặp với Tổng thống Gustavo Petro mới nhậm chức cách đây 2 tháng, trước khi tới Santiago (Chile) và Lima (Peru). Tại Lima, Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ đại diện cho Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).
Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ tự tin có thể duy trì mối quan hệ lành mạnh với Colombia, Chile và Peru, ngay cả khi phần lớn các nước Mỹ Latinh ngả sang cánh tả.
Trước đó, Mỹ từng chịu một số áp lực từ một số nước Mỹ Latinh khi từ chối mời Cuba, Nicaragua và Venezuela tới dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ vào tháng 6 vừa qua.
Khởi đầu nhiều thách thức
Ngoại trưởng Blinken được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn nhất ngay tại điểm dừng chân đầu tiên, Colombia.
Trước khi Tổng thống Petro đắc cử, quốc gia này được điều hành trong nhiều thập kỷ bởi một trong hai đảng chính trị chính mà cả hai đảng theo đường lối trung dung hoặc trung hữu này thường được xem là những người bạn tốt nhất của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh.
Chính phủ hai nước từng hợp tác toàn diện về quân sự hóa việc xóa bỏ các cánh đồng rộng lớn trồng cây ca cao, dẫn độ những kẻ buôn bán ma túy,...
Tuy nhiên, Tổng thống Petro đã đặt câu hỏi về nhiều vấn đề trong những nỗ lực hợp tác chung này. Ông đánh giá cuộc chiến chống ma túy do Mỹ dẫn dắt là một thất bại và yêu cầu một cách tiếp cận mới, điều sẽ dẫn tới chấm dứt việc cưỡng chế xóa bỏ các loại cây trồng bất hợp pháp và có thể bao gồm cả hợp pháp hóa một số loại ma túy.
Một số quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng việc sản xuất và xuất khẩu cocain, điều khiến Mỹ nỗ lực chi hàng tỷ USD nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ, có thể bùng nổ trở lại nếu ông Petro thay đổi chính sách của mình về ma túy một cách quá dữ dội.
Tại một cuộc họp báo chung ngày 3/10 tại Casa Narino, dinh thự chính thức của Tổng thống ở thủ đô, Ngoại trưởng Blinken đã tìm cách giảm nhẹ sự khác biệt. Ông cho biết mình sẵn sàng có cách tiếp cận “mang tính tổng thể” trong cuộc chiến chống ma túy, bao gồm cả việc thực thi luật pháp và phát triển nông thôn, song song với đó là giải quyết các “nguyên nhân gốc rễ” về nhu cầu nhiên liệu. Ngoại trưởng khẳng định chính phủ Mỹ và Colombia đang trong quá trình “đồng bộ hóa” với nhau.
Dù vậy, Tổng thống Petro dường như vẫn kiên quyết với lập trường của mình. Ông cho rằng việc dẫn độ người Colombia sang Mỹ nên được xem xét lại, đồng thời chỉ trích Mỹ vì đã tẩy chay Cuba.
Ông Petro cũng tỏ ra khác biệt với Mỹ khi chính quyền của ông chủ trương nối lại quan hệ với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và cho rằng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine là một sai lầm.
Khi được hỏi về mối quan hệ hợp tác giữa Tổng thống Colombia Gustavo Petro và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời rằng: “Mỗi quốc gia phải có cách tiếp cận riêng với những thách thức này”.
Hơn cả vấn đề ý thức hệ
Cuối tuần này, tại Santiago, Ngoại trưởng Blinken sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Chile Gabriel Boric, người từng là một nhà hoạt động thời sinh viên và là một trong những lãnh đạo trẻ nhất thế giới.
Ở Lima, ông Blinken cũng sẽ gặp Tổng thống Peru Pedro Castillo, một cựu giáo viên và là chính trị gia cánh tả, người từng bị vướng vào các cáo buộc tham nhũng.
Theo ông Blinken, xu hướng thiên tả gần đây trong các cuộc bầu cử tại khu vực Mỹ Latinh phản ánh việc người dân mong muốn các chính phủ thay đổi, hơn là một sự chuyển dịch ý thức hệ sâu sắc.
Ông Brian Nichols, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Tây bán cầu, cho biết trước chuyến đi: “Chúng tôi không đánh giá các quốc gia dựa trên vị trí của họ trên chính trường mà là cam kết của họ đối với dân chủ, pháp quyền và nhân quyền”.
Ông Brian Nichols lưu ý rằng Colombia, Chile và Peru từ lâu đã là những đối tác thương mại quan trọng với Washington và dù đôi khi có sự xao động, thì cũng không thể làm gián đoạn lịch sử gần đây của họ với tư cách là các nền dân chủ.
“Năm ngoái, chúng tôi kỷ niệm 200 năm quan hệ song phương với Colombia. Và năm nay, chúng tôi sẽ làm điều đó với Chile và Peru”, ông Brian Nichols khẳng định.
Chuyến công du của ông Blinken bắt đầu một ngày sau khi người dân Brazil bỏ phiếu bầu tổng thống trong cuộc tranh cử giữa Tổng thống dân túy cực hữu đương nhiệm Jair Bolsonaro và nguyên Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, một chính trị gia cánh tả kỳ cựu.
Ông Bolsonaro đã làm tốt hơn, theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận, và biến cuộc tranh cử thành cuộc "loại trực tiếp" khi ông Lula không giành được hơn 50% phiếu bầu.
Ngoài ra, hơn cả vấn đề ý thức hệ, có lẽ Trung Quốc mới là thách thức lớn hơn tại khu vực Mỹ Latin với chính quyền Tổng thống Biden.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chi hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, các khoản vay và các dự án khác tại khu vực. Động thái này nằm trong nỗ lực được xem là thành công cho đến nay của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng và làm lu mờ sự hiện diện truyền thống của Mỹ tại đây.
Nhập cư cũng là một chủ đề chính trong suốt chuyến đi của ông Blinken tại thủ đô của 3 nước. Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi Colombia vì đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người Venezuela rời bỏ quê nhà vì khó khăn, dù việc Tổng thống Petro nối lại quan hệ với Caracas có thể là tín hiệu cho một động thái khuyến khích người dân Venezuela quay trở lại thành phố của họ.