Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ những thông tin gần đây cho rằng Chính phủ Mỹ đã có kết luận cuối cùng về vụ sát hại nhà báo Khashoggo là không chính xác. Theo bà Nauert, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có đáp án xung quanh cái chết của nhà báo này.
Biểu tình trước Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về vụ nhà báo Jamal Khashoggi. (Nguồn: Getty Images) |
Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thật và hợp tác với các nước khác để đưa thủ phạm vụ việc ra trước công lý, Người phát ngôn này khẳng định Mỹ sẽ duy trì quan hệ chiến lược với Saudi Arabia. Bà Nauert nhấn mạnh rằng trước đó Mỹ đã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm vào cá nhân liên quan vụ việc trên.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Malibu, bang California của Mỹ trong chuyến thị sát khu vực bị thiệt hại do cháy rừng, Tổng thống Donald Trump cho biết Washington sẽ đưa ra "một báo cáo rất đầy đủ trong 2 ngày tới", có thế vào ngày 19 hoặc 20/10.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017. Hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu. Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 18 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Saudi Arabia về cách thức xử lý vụ việc, đồng thời bày tỏ mong muốn biết toàn bộ sự thật về cái chết của nhà báo Khashoggi. Mỹ cũng đã hủy thị thực của 21 quan chức Saudi Arabia bị tình nghi liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi.