📞

Mỹ chưa thoát khỏi ác mộng

13:55 | 14/01/2013
Thoát khỏi vách đá tài chính vào phút chót, nhưng nhiều dự đoán cho rằng chẳng bao lâu nữa nước Mỹ sẽ rơi vào 1 cuộc khủng hoảng khác...
Ảnh minh họa

Đó là nhận định của TS. Nouriel Roubini - nhà kinh tế học được gán cho cái tên “Mr Doom – Tiến sĩ Tận thế” do luôn đưa ra các cảnh báo bi quan nhưng chính xác về khủng hoảng. Theo vị Tiến sĩ này, thỏa thuận mà nước Mỹ vừa đạt được nhằm tránh vách đá tài khóa không phải là 1 chiến thắng mà mới chỉ là khởi đầu của 1 thảm kịch.

Sự khởi đầu không mong muốn

Trên thực tế, chỉ trong 2 tháng nữa, nếu như các nhà làm luật không hành động trước ngày 1/3, các khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 110 tỷ USD sẽ bắt đầu có hiệu lực. Cùng lúc đó, nước Mỹ cũng đau đầu với vấn đề trần nợ công… Và đây mới chỉ là khởi đầu. Trong năm 2013, cuộc tranh luận về chính sách tài khóa trong trung hạn với tính chất quyết liệt hơn rất nhiều sẽ được khởi động. Nước Mỹ tiếp tục phải chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa đảng Cộng hòa - đảng luôn muốn thu hẹp qui mô của chính phủ liên bang và đảng Dân chủ - đảng muốn duy trì chính phủ liên bang như hiện nay, nhưng lại không thể đưa ra cách để chi trả.

Bởi vậy, một loạt các cuộc tranh luận về cải cách thuế sẽ nổ ra: nước Mỹ có nên áp dụng thuế giá trị gia tăng hay không? Thuế thu nhập nên được nâng lên hay hạ xuống? Có đánh thuế carbon hay không? Đối phó với hành vi trốn thuế như thế nào?

Chắc chắn, Tổng thống Barack Obama và các đồng minh của ông sẽ lập luận rằng do thỏa thuận vừa đạt được chỉ khiến doanh thu thuế tăng thêm 600 tỷ USD trong vòng 10 năm tới trong khi mục tiêu đề ra ban đầu là 1.400 tỷ USD, vẫn còn “room” để tăng thuế, ít nhất là đối với người giàu. Còn tất nhiên, đảng Cộng hòa không thể đồng ý với điều này. Họ cho rằng chi tiêu mới là khoản nên được điều chỉnh bởi thỏa thuận vừa được đưa ra không hề giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách.

Theo tính toán, các điều chỉnh ngân sách trong năm 2013 có thể khiến GDP của nước Mỹ suy giảm 1,2%. Nếu mọi thứ tiến triển thuận lợi và nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 3,5%, không có gì đáng lo. Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ tăng trưởng chỉ là hơn 2% và con số này dễ dàng giảm xuống nếu như cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone trở nên tồi tệ hơn.

Như vậy, trong dài hạn bức tranh kinh tế Mỹ vẫn bị bao phủ bởi khá nhiều sương mù. Có vẻ như người Mỹ vẫn chưa thức tỉnh và nhận thức được mối hiểm họa ngân sách sắp ập tới. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không nhận ra rằng duy trì các chính sách an sinh xã hội cơ bản là điều đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, công nghệ phát triển như vũ bão và áp lực dân số ngày càng gia tăng như hiện nay. Thỏa thuận kéo dài các chính sách cắt giảm thuế không bền vững đối với 98% người dân Mỹ là 1 chiến thắng phải trả giá quá đắt.

Ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Obama vẫn được hỗ trợ bởi thị trường tài chính. Lạm phát đang ở mức thấp, nước Mỹ vẫn có lợi thế lớn vì nắm trong tay đồng tiền dự trữ toàn cầu, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn là tài sản an toàn, lãi suất ở mức 0 và Cục dự trữ liên bang vẫn cam kết thực hiện các gói nới lỏng định lượng. Tất cả những yếu tố này đảm bảo rằng thâm hụt ngân sách của nước Mỹ vẫn được tài trợ bằng nguồn vốn giá rẻ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, chắc chắn lợi thế này sẽ biến mất và nước Mỹ sẽ thực sự lâm nguy.

"Cuộc chơi nguy hiểm"

Trước nguy cơ nghị trường bị cuốn vào một cuộc khẩu chiến mới xung quanh vấn đề nâng mức trần nợ công, ngày 5/1 vừa qua, trong bài phát biểu phát trên Đài phát thanh và Internet, Tổng thống Obama đã cảnh báo các nghị sỹ Cộng hòa chớ nên khơi mào cho một "cuộc chơi nguy hiểm". Tức là, nước Mỹ sẽ lại đối diện với một trận chiến mới về vấn đề ngân sách trong hai tháng tới, khi việc cắt giảm chi tiêu sẽ lại được bàn tới vào cuối tháng 2/2013. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không thể né tránh một vấn đề khác là nâng trần nợ công từ mức 16.400 tỷ USD hiện nay, khi đã kịch trần vào 31/12.

Nếu trần nợ công không được nâng lên, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên vào tháng 2 hoặc tháng 3 và bị giáng cấp tín nhiệm như những gì đã xảy ra vào năm 2011, điều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của các nhà đầu tư khắp toàn cầu vào kinh tế Mỹ.

Thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Obama là các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã công khai lên tiếng sẽ lật ngược tình thế khi hai bên bước vào vòng thương lượng về việc cắt giảm ngân sách đối với các chương trình quốc phòng và xã hội, và nâng trần nợ quốc gia. Phía Cộng hòa tuyên bố sẽ đặt điều kiện cho việc nâng trần nợ là không tăng thêm thuế với người giàu mà tập trung vào cắt giảm chi tiêu, còn phe Dân chủ vẫn muốn tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa việc tăng thuế đối với người giàu và cắt giảm chi tiêu.

Như vậy, không những chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề của nền kinh tế Mỹ là nợ công và thâm hụt ngân sách, thỏa thuận tại Quốc hội cũng không phải là lời giải cho bài toán kinh tế Mỹ. Thị trường bất động sản đang "ấm" dần lên, gánh nặng nợ của các gia đình nhẹ bớt, giúp tăng khả năng chi tiêu tiêu dùng và nguy cơ "vách đá tài chính" đã được loại bỏ, các nhà kinh tế lại không nhìn thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế và việc làm mạnh mẽ hơn đối với nước này trong năm 2013.

Trà Nguyễn (Theo FT)