Tổng thống Mỹ Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp tại Lễ tang Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (ảnh: Getty) |
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Ben Rhodes cho rằng Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro có thể sẽ có “các cuộc trò chuyện” bên lề hội nghị thượng đỉnh này, mặc dù vẫn chưa có cuộc đối thoại chính thức nào được lên kế hoạch. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Ngoại trưởng John Kerry có thể sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez tại Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ.
Những “đồn đoán” trên có vẻ có cơ sở khi các nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba vẫn đang được giới chức Mỹ hiện thực hóa. Theo Reuters, một quan chức Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này sẽ đề xuất lên Tổng thống Obama kêu gọi đưa quốc đảo này ra khỏi danh sách các nước bị cáo buộc là tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Obama từng yêu cầu xem xét vấn đề này sau khi tuyên bố cải thiện quan hệ với La Habana ngày 17/12/2014 và cam kết sẽ nhanh chóng hành động ngay khi ông nhận được đề xuất. Nếu được thực hiện, đây sẽ là bước tiến quan trọng nhằm đi tới chấm dứt hơn 50 năm quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước.
Việc Cuba bị đưa vào danh sách các nước tài trợ cho khủng bố từ lâu đã trở thành một trở ngại lớn đối với những nỗ lực khôi phục quan hệ giữa hai nước. La Habana thẳng thắn yêu cầu Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách đen này trước khi thiết lập lại quan hệ ngoại giao. Cuba bị đưa vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố năm 1982, khi nước này hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy theo chủ nghĩa Mácxít ở Colombia và nhiều nơi khác. Trong danh sách đen này còn có Iran, Sudan và Syria.
Hai quan chức Mỹ nắm rõ vấn đề này cho biết một nhóm các quan chức liên ngành chịu trách nhiệm xem xét việc đưa Cuba ra khỏi danh sách đen phải chịu sức ép lớn từ chính quyền nhằm nhanh chóng hoàn tất quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, hai quan chức này nói rằng thời gian chính xác để đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố vẫn đang được xem xét và có khả năng việc này sẽ bị trì hoãn tiếp.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu với các phóng viên rằng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ "sớm tiến tới giai đoạn tiếp theo", tuy nhiên ông cũng nói rằng "không nhất thiết quyết định cuối cùng phải được đưa ra trong một hai ngày tới", ý ám chỉ Tổng thống Obama có thể sẽ cần thêm thời gian để xem xét vấn đề này.
Về khả năng mở cửa lại Đại sứ quán tại hai nước, ông Ben Rhodes nói Mỹ không mong đợi sẽ ký kết thỏa thuận này trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ. Dù vậy, ông Rhodes cho biết nỗ lực nhằm đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố "đang trong giai đoạn cuối".
Các cố vấn của ông Obama hy vọng rằng việc cải thiện quan hệ với Cuba sẽ giúp Mỹ có được thiện chí của các nhà lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và vùng Caribbean - những người luôn cho rằng việc Washington cô lập La Habana sẽ phản tác dụng. Ông Obama từng tức giận khi phải nghe những chỉ trích về việc Mỹ cấm vận Cuba trong hội nghị thượng đỉnh lần trước diễn ra tại Cartagena năm 2012.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, vốn tức giận vì Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số thành viên trong chính quyền của ông hồi tháng trước, cho biết ông sẽ trao cho Tổng thống Obama một lá đơn phản đối có chữ ký của hàng triệu người dân Venezuela.
Ngoài ra, dù Tổng thống Obama và những cố vấn của ông nỗ lực thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, song ông Obama có thể sẽ khiến phía Cuba khó chịu khi ông gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự, trong đó có cả những người Cuba bất đồng chính kiến, vào ngày 10/4 tới.
Được biết, ngày 8/4, Tổng thống Obama đã bắt đầu chuyến công du tới Jamaicai và sau đó sẽ đến Panama dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ diễn ra từ ngày 10-11/4.
Nguyễn Kim (tổng hợp)