📞

Mỹ cung cấp cho quốc gia Đông Nam Á hàng loạt vũ khí then chốt USV T-12

Bảo Minh 10:13 | 20/11/2024
Mỹ đã cung cấp cho Hải quân của một quốc gia ở Đông Nam Á những phương tiện mặt nước không người lái (USV) thông qua nguồn tài trợ quân sự nước ngoài.
USV MANTAS T-12 dài 3,6 m và có thể chịu được tải trọng 64 kg. (Nguồn: DefenseScoop)

Mạng tin hải quân Naval News cho biết, trong một cuộc họp báo tại Palawan, Philippines, vào ngày 19/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp nước chủ nhà Gilberto Teodoro tiết lộ, Manila đã nhận được các USV của Washington thông qua một chương trình hỗ trợ an ninh trong năm nay.

Tại đây, họ đã chứng kiến Hải quân Philippines trình diễn khả năng mới do Mỹ cung cấp. Các phương tiện này là những USV MANTAS T-12 do Maritime Tactical Systems (MARTAC) phát triển.

Lầu Năm Góc tuyên bố, T-12 là vũ khí then chốt mà lực lượng hải quân quốc gia Đông Nam Á sử dụng để bảo vệ chủ quyền, cũng như để bảo đảm các hoạt động trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông. Mỹ dự kiến tài trợ thêm nhiều USV cho Philippines thông qua khoản tài trợ quân sự nước ngoài trị giá 500 triệu USD đã cam kết hồi tháng 7.

MANTAS T-12 dài 3,6 m và có thể chịu được tải trọng 64 kg. Theo MARTAC, các nhiệm vụ của MANTAS T-12 cũng bao gồm giám sát, hoạt động theo nhóm và tác chiến điện tử.

Một tính năng của USV được MARTAC nêu bật là "chế độ cá sấu" - khả năng bán ngầm sẽ giúp MANTAS T-12 thực hiện các nhiệm vụ tàng hình.

Mặc dù thông số kỹ thuật chính xác của các biến thể dành cho Hải quân Philippines vẫn chưa rõ ràng, nhưng hình ảnh gần đây cho thấy, dường như có một hệ thống EO/IR và thiết bị đầu cuối Starlink gắn trên những phương tiện này.

Việc chuyển giao năng lực USV là điều mới mẻ, không chỉ báo hiệu cam kết của Mỹ trong việc tăng cường an ninh hàng hải và phòng thủ hải quân ở Đông Nam Á mà còn phản ánh sự công nhận rằng, cách hỗ trợ này - cần phải theo kịp với chiến tranh hải quân hiện đại - đang phát triển".

Quan hệ liên minh của Mỹ và Philippines mới đây cũng vừa được tăng cường khi các bộ trưởng quốc phòng của 2 nước ký kết Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA), cho phép Manila tiếp cận các năng lực tiên tiến như hình ảnh vệ tinh và tình báo điện tử.

Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ thiết lập các quy trình mới để bảo vệ thông tin quân sự tuyệt mật và xây dựng hệ thống phát hiện sớm các mối đe dọa tiềm tàng trong vùng biển tranh chấp.

Cũng liên quan quan hệ Washington-Manila, cùng ngày 19/11, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos thông báo đã có cuộc điện đàm “rất thân tình” với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và bày tỏ mong muốn củng cố liên minh giữa hai nước.