📞

Mỹ đang gây sức ép lên Dự án Dòng chảy phương Bắc 2

M. Hòa 08:07 | 22/11/2020
TGVN. Theo báo DW của Đức ngày 21/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Joe Biden có rất ít điểm chung, song với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 lại khác, bởi nó như 'cái gai' trong mắt lưỡng đảng ở Mỹ và hiện sức ép trừng phạt đối với các công ty tham dự án ngày càng gia tăng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Đức DPA, một quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ ở Washington nói về Dự án Dòng chảy phương Bắc 2: "Dự án đường ống này sẽ không thể vận hành. Nó sẽ như một đường ống chết".

Quan chức này cho biết, Chính phủ Mỹ đã xác định nhiều doanh nghiệp và cá nhân có thể phải chịu những biện pháp trừng phạt đầu tiên theo Đạo luật trừng phạt Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Mỹ. Các đối tượng liên quan hiện đang được liên lạc để thông báo về các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt.

Mỹ gia tăng sức ép với Dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: DW)

Quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh: "Mỹ không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi thông báo với họ như vậy để cảnh báo họ và cho họ thời gian để rút lui". Theo vị quan chức Mỹ, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án "địa chính trị mà Nga sẽ lợi dụng để tống tiền các nước châu Âu".

Quan chức đại diện Chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng những người ủng hộ dự án không nên nuôi hy vọng về sự thay đổi chính phủ ở Washington, bởi "các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện bất kể ai ngồi ở Phòng Bầu dục".

Phản ứng về các thông tin này, Phó Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng đoàn Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Achim Post cảnh báo những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ là "hoàn toàn không phù hợp".

Theo ông Post, nguồn cung cấp năng lượng của Đức và châu Âu không phải được quyết định ở Washington hay Moskva, mà là ở Berlin và Brussels. Ông cũng cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải nhanh chóng trao đổi với chính quyền mới của Mỹ, không để căng thẳng leo thang.

Cả đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump và nhiều đảng viên Dân chủ của ông Joe Biden đều cho rằng Đức sẽ bị phụ thuộc vào Moskva với đường ống đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Quốc hội Mỹ đã thông qua "Luật Bảo vệ An ninh Năng lượng châu Âu" (PEESA) với sự ủng hộ của lưỡng đảng và có hiệu lực từ cuối năm ngoái nhằm trừng phạt các công ty điều hành tàu đặt đường ống cho dự án.

Tuy nhiên tới lúc này, vẫn chưa có biện pháp trừng phạt nào của Mỹ được áp đặt./.

(theo DM)