📞

Mỹ: Đồng minh cần tăng cường chia sẻ gánh nặng chống khủng bố

14:58 | 07/05/2017
Đây là một trong những nội dung bị rò rỉ từ Dự thảo Chiến lược chống khủng bố mới của Nhà Trắng. 

Theo Reuters, ngày 5/5, một bản dự thảo chiến lược chống khủng bố mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà hãng tin này mới được tiếp cận, đã đòi hỏi các đồng minh của Mỹ chia sẻ nhiều hơn gánh nặng trong cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo, đồng thời thừa nhận sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn mối đe dọa khủng bố.

Chiến lược mang tính kế thừa

Theo văn bản dài 11 trang dự kiến được công bố trong vài tháng tới, Mỹ cần tránh những sứ mệnh quân sự tốn kém và không có hồi kết. Văn bản nêu rõ: "Chúng ta cần tăng cường các chiến dịch nhằm vào những nhóm thánh chiến toàn cầu và cùng lúc giảm thiểu tổn thất "máu và của cải" của Mỹ khi theo đuổi các mục tiêu chống khủng bố. Chúng ta sẽ hướng tới tránh các cuộc can thiệp quân sự tốn kém, quy mô lớn nhằm đạt được các mục tiêu chống khủng bố và tăng cường nhờ cậy các đối tác chia sẻ trách nhiệm chiến đấu chống khủng bố".

Michael Anton, Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói rằng: “Chính quyền đang xem xét toàn bộ chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm sứ mệnh chống khủng bố. Điều này đặc biệt quan trọng bởi chưa có chiến lược nào như vậy được công bố công khai kể từ năm 2011".

Ông Michael Anton - Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng. (Nguồn: Bloomberg)

Ông Anton cho biết, quá trình này nhằm đảm bảo "chiến lược mới chống lại các mối đe doạ khủng bố nổi bật đối với quốc gia, công dân, lợi ích của chúng ta ở nước ngoài và các đồng minh. Hơn nữa, chiến lược mới này sẽ nêu bật các mục tiêu khả thi, thực tế, và các nguyên tắc chỉ đạo”.

Chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo là một trong những vấn đề chính mà ông Trump nêu ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Dự thảo văn kiện chiến lược trên vẫn đang được điều chỉnh tại Nhà Trắng, mô tả mối đe dọa từ các nhóm chiến binh Hồi giáo bằng giọng điệu mạnh mẽ.

Hiện chưa rõ cách thức Tổng thống Trump có thể đạt được mục tiêu tránh can thiệp quân sự trong bối cảnh các cuộc xung đột có sự tham gia của lực lượng Mỹ đang diễn ra ở Iraq, Syria, Afghanistan hay Yemen.

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama đưa ra chiến lược chống khủng bố cuối cùng của Mỹ vào năm 2011 trước khi vấn đề Nhà nước Hồi giáo nổi lên, mối đe dọa này đã "đa dạng về quy mô, phạm vi và sự phức tạp so với những gì chúng ta phải đối mặt cách đây vài năm", dự thảo có đoạn.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Trump nhìn chung vẫn đi theo các kế hoạch của chính quyền Barack Obama tiền nhiệm, theo đó tăng cường hoạt động quân sự nhằm vào các nhóm phiến quân và cho phép Lầu Năm Góc quyền hạn lớn hơn trong việc không kích phiến quân ở các địa điểm như Yemen và Somalia. Chính quyền của ông hiện đang cân nhắc tăng từ 3.000 - 5.000 binh lính thêm vào đội 8.400 quân Mỹ đang hỗ trợ các lực lượng Afghanistan chống lại sự phục hồi của Taliban.

Một quan chức chính quyền cấp cao lưu ý rằng, dưới sự chỉ đạo của các tướng lĩnh thời Trump, chỉ có một số ít quân đội được bổ sung vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria. "Nếu có bổ sung ở những nơi khác, thì cũng là phù hợp với chiến lược dự thảo này", vị quan chức giấu tên này nói.

Hệ tư tưởng và cách làm mới?

Theo Reuters, tài liệu mô tả cách tiếp cận chống khủng bố hoàn toàn tách biệt với chiến lược chi tiết nhằm đánh bại Nhà nước Hồi giáo mà ông Trump từng đưa ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Chiến lược dự thảo này dường như bắt nguồn từ chính sách đối ngoại "America First" (Nước Mỹ trên hết) của ông Trump, trong đó kêu gọi cắt giảm viện trợ nước ngoài và chia sẻ gánh nặng với các đồng minh và liên minh như NATO.

Trong văn bản này không có một cụm từ quan trọng trong chiến dịch năm 2016 của ông Trump là "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan". Thay vào đó, họ cho rằng các nhóm thánh chiến đã hợp nhất dưới một hệ tư tưởng nhằm tìm cách thành lập một vương triều Hồi giáo đa quốc gia thúc đẩy xung đột trên quy mô toàn cầu.

Nguyên tắc chỉ đạo đầu tiên mà dự thảo đưa ra là Mỹ "sẽ luôn hành động để làm gián đoạn, ngăn chặn và đối phó với các cuộc tấn công khủng bố chống lại quốc gia, công dân, lợi ích của ta ở nước ngoài và các đồng minh của ta (Mỹ)”.

Chính quyền Mỹ sẽ tăng cường an ninh trong nước bằng cách hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm loại bỏ giới lãnh đạo các nhóm khủng bố, những kẻ truyền bá tư tưởng, các chuyên gia kỹ thuật, nhà tài trợ, điều hành bên ngoài và chỉ huy tại các chiến trường.

Bản dự thảo cũng kêu gọi từ chối các khu “thánh đường” cả trên thực tế và trực tuyến của các nhóm chiến binh - nơi tổ chức và thực hiện các kế hoạch tấn công, đồng thời "làm suy giảm nỗ lực phát triển và triển khai" vũ khí hóa học và sinh học.

Tuy nhiên, văn bản không đưa ra nhiều thông tin về cách mà Mỹ - nước đang dẫn dắt các cuộc tấn công chống khủng bố toàn cầu kể từ 11/9/2001, có thể đạt được những mục tiêu này bằng cách gánh thêm gánh nặng cho các nước khác, trong đó có nhiều nước thiếu khả năng về quân sự và tình báo.

Dự thảo ít đề cập đến việc thúc đẩy nhân quyền, phát triển, quản trị hiệu quả các công cụ "quyền lực mềm" khác mà Washington từng ủng hộ trong quá khứ. Ngược lại, chiến lược chống khủng bố của Obama đã làm cho "tôn trọng nhân quyền, thúc đẩy quản trị tốt, tôn trọng quyền riêng tư và tự do dân sự, cam kết đảm bảo an ninh và minh bạch và duy trì các quy định của pháp luật" trở thành nguyên tắc dẫn đường.

Tóm lại, theo Bruce Hoffman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Đại học Georgetown, dự thảo trên đã mô tả những mối đe doạ sẽ sớm xảy ra và những gì cần thiết mà nước Mỹ phải làm ngay bây giờ cũng như trong tương lai gần để đối phó với chúng.

(theo Reuters)