📞

Mỹ dùng “mũi tên” Venezuela “nhắm” Trung Quốc

08:48 | 28/01/2019
Theo nhận định của Sputnik, bài toán của Mỹ là lật đổ Tổng thống hợp pháp của Venezuela Nicolas Maduro có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích năng lượng của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà khoa học chính trị, Giáo sư Oleg Matveychev - thuộc trường Đại học Kinh tế Cao đẳng Nga - đưa ra nhận định rằng, mục tiêu của Mỹ là gây áp lực lên Trung Quốc ở Iran và bây giờ là ở cả Venezuela.

Trò chơi trên thị trường dầu mỏ

Theo nhận định của vị Chuyên gia này, ông Donald Trump cho rằng, đối thủ chính của Mỹ trên thế giới về kinh tế và chính trị là Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là một yếu tố trong cuộc đối đầu địa chính trị. Một yếu tố khác là những nỗ lực làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Trung Quốc trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Bắc Kinh ngày 14/9/2018. (Nguồn: Reuters)

Chuyên gia Nga nhắc nhở rằng, Iran và Venezuela đang hợp tác rất chặt chẽ với Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ. An ninh năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào hai nước này.

Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực khai thác dầu, đồng thời cũng là nhà nhập khẩu chính nguyên liệu thô từ Iran và Venezuela.

Để đạt được mục tiêu của mình, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu dầu thô từ Iran và lệnh cấm đầu tư vào ngành dầu mỏ của nước này. Và bây giờ, Washington hỗ trợ cuộc đảo chính ở Venezuela để lật đổ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.

Tháng 9/2018, sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Maduro đã tuyên bố rằng, Venezuela dự định tăng khối lượng cung cấp dầu thô cho Trung Quốc lên 1 triệu thùng/ngày (tức là tăng gấp 3 lần). Trung Quốc và Venezuela đã ký kết 28 thỏa thuận hợp tác, chủ yếu trong ngành chế biến dầu, năng lượng và khai thác.

Chuyên gia Oleg Matveychev cho rằng, kịch bản lật đổ chính quyền tại Venezuela của Mỹ sẽ dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng, đe dọa lợi ích của Trung Quốc tại đất nước này. Ông nói: “Tất nhiên, sẽ có những mưu kế chính trị chống lại Trung Quốc, kể cả những trò chơi trên thị trường dầu mỏ thế giới. Mỹ biết cách thao túng thị trường dầu mỏ vì lợi ích chính trị của họ. Trước đây, Mỹ coi ông Hugo Chavez là một người hay gây sự và bây giờ là dịp tốt để ra tay.

Ông Hugo Chavez đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ, đánh vào lợi ích của Mỹ. Nếu Mỹ thiết lập sự kiểm soát trong ngành dầu mỏ của Venezuela, điều đó sẽ tác động tiêu cực đến đất nước này, bởi Venezuela đã ký kết một số thỏa thuận với Trung Quốc. Tức là, Venezuela sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người mua. Tất nhiên, diễn biến sự kiện theo kịch bản này không phải vì lợi ích của Venezuela và người dân của nước này nhưng là vì lợi ích của Mỹ và họ đang theo đuổi mục tiêu này”.

Liên hợp quốc vào cuộc

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 26/1, Ngoại trưởng Venezuela Arreaza cho rằng, Tổng thống Trump đã đe dọa sử dụng vũ lực tại Venezuela - một hành động đi ngược lại với chủ nghĩa đa phương. Ông Arreaza cũng đặt câu hỏi về lý do các nước châu Âu đưa ra "tối hậu thư" đòi Venezuela tổ chức bầu cử sớm trong vòng 8 ngày. Theo ông Arreaza, hòa bình và ổn định sẽ giành chiến thắng tại Venezuela, bất chấp những nỗ lực kích động chiến tranh từ nước ngoài.

Ông Juan Guaido tự xưng là "Tổng thống lâm thời" Venezuela. (Nguồn: AP)

Trong khi đó, cùng ngày 26/1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Ma Zhaoxu cho biết, Bắc Kinh phản đối mọi hành động của nước ngoài nhằm can thiệp vào tình hình nội bộ của Venezuela. Phát biểu trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Ma Zhaoxu nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn phản đối sự can thiệp vào vấn đề nội bộ của quốc gia khác và chúng tôi phản đối nước ngoài can thiệp vào tình hình Venezuela”.

Theo ông Ma Zhaoxu, tình hình tại Venezuela là vấn đề nội bộ của nước này và không nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Hơn nữa, vấn đề Venezuela "không phải mối đe dọa" đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 25/1 cho biết, Bắc Kinh tin rằng, công việc nội bộ của Venezuela phải và chỉ có thể được quyết định bởi chính người dân nước này. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh truyền thông đưa tin Mỹ đang tìm cách đảm bảo rằng, khoản thu từ dầu mỏ của Venezuela sẽ vào tay "tổng thống lâm thời" Juan Guaido thay vì nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/1 đã cáo buộc Mỹ và các nước đối tác cố tình làm trầm trọng tình hình tại Venezuela và kích động những quan điểm cực đoan nhất. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ tình hình tại Venezuela đang ngày càng trở nên "đáng báo động". Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết, Moscow hối tiếc khi Mỹ lôi kéo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào vấn đề Venezuela theo một cách trái với đạo lý. Đại sứ Nebenzia cáo buộc Mỹ đang tìm cách gây ra một cuộc đảo chính tại Venezuela. 

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị và gìn giữ hòa bình, bà Rosemary DiCarlo ngày 26/1 nhấn mạnh, đối thoại và hợp tác là yếu tố hết sức quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Phát biểu tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về tình hình tại Venezuela, bà DiCarlo nêu rõ: "Chúng ta phải cố gắng giúp mang lại một giải pháp chính trị để người dân Venezuela được hưởng hòa bình, thịnh vượng và tất cả các quyền con người".

Nhắc lại thiện chí của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẵn sàng giúp Venezuela giải quyết cuộc khủng hoảng, bà DiCarlo nêu rõ mối quan tâm chính hiện nay là sự thịnh vượng của người dân Venezuela cũng như việc đảm bảo họ được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi.

(theo Sputnik)