Theo nghiên cứu thường niên của Access Asia “Bất chấp những hy vọng về việc TQ có thể giúp kéo kinh tế thế giới khỏi suy thoái, các công ty nước ngoài vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động kinh doanh tại TQ”.
Chỉ chưa đầy 2% sản phẩm của các công ty dược phẩm toàn cầu như Pfizer, AstraZeneca và Bayer được tiêu thụ tại thị trường TQ. Procter & Gamble (P&G), một công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, chỉ thu được 3 tỷ USD/năm từ thị trường TQ, chưa đến 5% tổng doanh số của Hãng trên toàn thế giới.
Unilever còn làm ăn khó khăn hơn, với doanh số chưa bằng một nửa của Procter & Gamble. Tập đoàn bảo hiểm AIG (Mỹ) được sáng lập tại Thượng Hải và vẫn đang chiến thắng nhiều đối thủ trong cuộc chạy đua vào thị trường này. Nhưng doanh thu của AIG từ Trung Quốc đại lục còn thấp hơn so với nguồn thu từ lãnh thổ Đài Loan với số dân chỉ tương đương 2% dân số TQ và mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều.
Trước tình trạng kinh tế suy thoái, nhiều công ty, nhất là ở châu Âu và Mỹ càng ham muốn tìm kiếm lợi nhuận từ sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của TQ. Thế nhưng số lượng hàng xuất khẩu từ châu Âu và Mỹ sang TQ không thay đổi trong suốt nhiều năm qua và chiếm chưa đến 7% tổng hàng xuất khẩu từ các thị trường trên sang nước khác.
Ronald Schramm - Giáo sư trường kinh doanh quốc tế Chinese European cho rằng ngay cả nếu kinh tế TQ có thể tăng trưởng 8% trong năm nay, ảnh hưởng lên doanh số xuất hàng từ các nước phương Tây vào thị trường này cũng sẽ không có nhiều thay đổi. Các công ty TQ, từ cung cấp hàng xa xỉ, sợi quang học và máy bay lớn, năng lượng, quặng đến tái sinh chất thải đều đang hoạt động rất tốt. Lĩnh vực xuất bản, truyền thông, khai thác dầu, tiếp thị, y tế, ngân hàng, bảo hiểm hiện vẫn được bảo vệ chặt chẽ và nhiều khi hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ngoài rất nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với đối tượng người tiêu dùng TQ, bất chấp những lời hứa của TQ khi gia nhập WTO, hoạt động quảng bá về hình ảnh, thương hiệu cũng chịu hạn chế. Chi phí tiếp cận khách hàng tại TQ cao hơn tại bất kỳ nước phương Tây nào.
Báo cáo gần đây từ Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải, Phòng thương mại châu Âu tại TQ và Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung không nói đến những điểm trên hay trở ngại thông thường đối với các doanh nghiệp. Thay vào đó, họ đề cập đến những mối lo khác như sự cạnh tranh bởi trợ cấp, hạn chế tiếp cận, thiếu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tình trạng quan liêu…Quan chức địa phương thường hỗ trợ hết sức cho những công ty nội địa bằng cách hỗ trợ tín dụng hay đất đai, nới lỏng một số quy định riêng.
Những công ty đã vượt qua trở ngại trên thường có xu thế sản xuất tại nội địa. Chẳng hạn, Goodyear - một hãng sản xuất lốp xe Mỹ, đã phải tìm đối tác địa phương cho tất cả 760 đại lý phân phối tại TQ.
Công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh tại TQ cũng phải tính đến đặc điểm của người tiêu dùng địa phương. P&G sản xuất kem đánh răng với nhiều hương vị khác nhau.
Một chiến lược khác đã mang đến thành công là việc để giá thành sản phẩm ở mức cao. Điều này gây ra không ít ngạc nhiên, song người TQ tin rằng hàng ngoại thường đắt đỏ hơn.
Hương Vy(Theo The Economist)