Máy bay do thám P-8A Poseidon (Nguồn: Wikipedia). |
Một thống kê của tổ chức Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc công bố hôm 30/4 cho thấy Mỹ đã thực hiện 65 chuyến bay do thám trên Biển Đông vào tháng 4.
Ngoài ra, theo SCSPI, kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện số nhiệm vụ do thám tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo bản báo cáo trên, Mỹ đã đưa 5 loại máy bay trinh sát tới Biển Đông trong thời gian qua, phản ánh mối quan tâm của Mỹ tới mọi hoạt động trong khu vực từ tuần tra hàng hải đến tình báo tín hiệu.
P-8A Poseidon là máy bay thực hiện nhiều nhiệm vụ trinh thám nhất, với 43 lần xuất phát trong tháng 4, trong khi chiếc E-8C Orion nhận 5 nhiệm vụ. Hai loại máy bay này đều có khả năng theo dõi tàu mặt nước và tàu ngầm. Trong khi đó, chiếc EP-3E Aries II thực hiện 10 nhiệm vụ trinh thám, và chiếc RC-135W thực hiện 6 nhiệm vụ.
Ngoài ra, SCSPI cũng phát hiện ra máy bay E-8C Joint STARS 5 lần xuất phát để trinh thám ở Biển Đông trong tháng qua. Máy bay không người lái MQ-4C Triton cũng được điều động làm nhiệm vụ tại khu vực biển giàu tài nguyên trong tháng 4.
Trước đó, tháng 2/2021 được xem là tháng SCSPI phát hiện số chuyến bay trinh thám Biển Đông nhiều nhất từ phía Mỹ với 75 nhiệm vụ.
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang nóng lên ở Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích thông qua cái gọi là "đường chín đoạn" - thuật ngữ không được cộng đồng quốc tế công nhận. Hồi giữa tháng, cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông, động thái được xem là phát đi thông điệp cứng rắn.
Hôm 29/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nói rằng, kể từ khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1, số chuyến bay do thám Biển Đông của Mỹ tăng 40%, trong khi các tàu chiến làm số nhiệm vụ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ khẳng định các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp và tuyên bố sẽ có động thái giúp bảo vệ quyền lợi của các quốc gia khác trong khu vực theo luật lệ quốc tế.