Tàu tấn công đổ bộ Boxer của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Song Long 2024 với Hàn Quốc. |
Tham gia cuộc tập trận này có lực lượng quân đổ bộ cấp sư đoàn và hơn 40 tàu gồm tàu vận tải cỡ lớn Dokdo và Marado, tàu tấn công đổ bộ Boxer của Mỹ, tàu đổ bộ Ilchulbong, Cheonjabong và Cheonwangbong, các tàu hộ vệ và tàu quét mìn.
Khoảng 40 xe bọc thép tấn công đổ bộ, 40 máy bay của hai nước Mỹ-Hàn, bao gồm máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ, trực thăng đổ bộ Marineon và máy bay vận tải C-130 của Không quân Hàn Quốc, cùng lực lượng biệt kích của Thủy quân lục chiến Anh tham gia tập trận.
Mục đích của cuộc tập trận Song Long 2024 là tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và năng lực phối hợp tại khu vực ven biển phía Đông và thành phố Pohang, tỉnh Bắc Gyeongsang.
Cuộc tập trận năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của Bộ Tư lệnh tác chiến máy bay không người lái (drone) được thành lập vào tháng 9/2023.
Cuộc diễn tập này được tiến hành song song với cuộc tập trận không quân khai mạc cùng ngày và cuộc tập trận chung Lá chắn tự do Ulchi 2024.
Cùng ngày, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gặp Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ Jack Reed (D-RI) để thảo luận về cách tăng cường thế trận phòng thủ chung trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy liên minh song phương và hợp tác ba bên với Mỹ và Nhật Bản để ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa. Ngoài ra, ông Yoon Suk Yeol cũng đề nghị Quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ tăng cường cam kết răn đe mở rộng của Washington.
Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ rõ: "Hàn Quốc và Mỹ nên tiếp tục hợp tác để phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên và cho thấy thế trận răn đe hùng mạnh dựa trên thế trận phòng thủ chung vững chắc".
Về phần mình, nghị sĩ Reed đảm bảo sự ủng hộ kiên định của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đối với liên minh Seoul-Washington, bày tỏ kỳ vọng tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong khi đó, cũng ngày 26/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố, nước này và Hàn Quốc sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 7 về Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự (SMA) lần thứ 12 tại Seoul từ ngày 27-29/8.
Dự kiến trong vòng đàm phán lần này, Washington sẽ tiếp tục tham vấn với Seoul trên nguyên tắc phân chia một cách hợp lý khoản gánh vác của Hàn Quốc, để vừa thiết lập điều kiện đồn trú ổn định cho lực lượng của Mỹ ở quốc gia Đông Bắc Á, vừa tăng cường trạng thái phòng thủ liên quân.
Vòng đàm phán lần này diễn ra chỉ 2 tuần sau vòng đàm phán thứ 6 trước đó, diễn ra từ 12-14/8. Hiệp định SMA quy định về mức đóng góp của Hàn Quốc trong khoản chi phí dành cho lực lượng quân đồn trú của Mỹ, bao gồm 3 hạng mục là chi phí nhân công, chi phí xây dựng quân sự và chi phí hỗ trợ vật tư hậu cần.
Hiệp định SMA lần thứ 11 ký kết năm 2021 có hiệu lực tới cuối năm 2025, trong đó quy định mức đóng góp trong năm 2021 của Hàn Quốc là 1.183,3 tỷ Won (892,2 triệu USD), tăng 13,9% so với năm trước.