Theo kênh truyền hình Al Arabiya của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Qatar đang cố gắng đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, các nhà cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố vẫn đang sử dụng hệ thống tài chính của Qatar.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức khủng bố al-Qaeda, Phong trào Hồi giáo Hezbollah và các nhóm khác là mối đe dọa trước tiên và nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 9/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Qatar chấm dứt hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Romania Klaus Iohanni, ông Trump nhấn mạnh: "Thật không may, Qatar là nhà bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cần phải ngăn chặn hoạt động cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố. Đã đến lúc cần phải kêu gọi Qatar chấm dứt hoạt động hỗ trợ tài chính cho khủng bố và tư tưởng cực đoan của Doha".
Ông Donald Trump nói thêm rằng ưu tiên số một của ông trên cương vị tổng thống là đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.
Trước đó, 4 quốc gia Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar ngày 18/7 đã hối thúc Doha cam kết thực thi 6 nguyên tắc về chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan cũng như thương thuyết một kế hoạch với những giải pháp cụ thể để thực hiện các nguyên tắc này. Trong số 6 nguyên tắc này có các cam kết chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố; ngăn chặn hoạt động hỗ trợ tài chính cũng như cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố; và ngừng tất cả các hoạt động khiêu khích và tuyên truyền kích động thù hận hay bạo lực. Bước đi này có thể mở đường cho việc sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Ngày 5/6, Saudi Arabia, Ai cập, UAE và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với cáo buộc Doha hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng. Qatar đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này. Các nước này sau đó đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đồng thời đặt ra hạn chót 10 ngày để Qatar thực hiện các yêu cầu. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ các yêu cầu của các nước Arab cho dù hạn chót sau đó được gia hạn thêm 48 giờ.