Mỹ hối thúc Nhật Bản cắt giảm thuế nông sản. (Nguồn: (Nguồn: japan-magazine.jnto.go.jp) |
Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Takamori Yoshikawa bên lề hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Nhật Bản chủ trì tại Niigata, Tây Bắc thủ đô Tokyo, ông Perdue nhấn mạnh: "Chúng tôi đã và đang thâm hụt thương mại kéo dài với Nhật Bản lên tới 70 tỷ USD, chứng tỏ chúng tôi là khách hàng rất tốt của Nhật Bản trong nhiều năm qua".
Theo ông Perdue, Mỹ đơn giản muốn "được đối xử như một khách hàng tốt, với cách đối xử tương xứng liên quan đến các mặt hàng chúng tôi xuất khẩu". Thuế nông sản là điều mà Mỹ muốn nhắm tới.
Về phần mình, Bộ trưởng Yoshikawa nhấn mạnh Nhật Bản là một điểm đến xuất khẩu quan trọng của hàng hóa Mỹ và Nhật Bản đánh giá Mỹ là một nhà cung cấp hàng nông sản ổn định.
Trước đó, ông Perdue bày tỏ mong muốn sớm đạt một thỏa thuận với Nhật Bản - đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ - về việc cắt giảm thuế đối với nông sản, như một phần trong các nỗ lực đạt một thỏa thuận thương mại song phương. Tuy nhiên, Tokyo không "mặn mà" với đề xuất này.
Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại từ giữa tháng 4/2019. Washington tìm cách cải thiện tính cạnh tranh của sản phẩm Mỹ trong bối cảnh các thành viên hiệp định tự do thương mại Thái Bình Dương sẽ được xuất khẩu vào Nhật Bản với mức thuế thấp hơn. Các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Nhận định về các cuộc đàm phán, ông Perdu cho rằng "có nhiều triển vọng" và hai bên "sẽ có thể kết thúc các cuộc đàm phán trên cơ sở đôi bên cùng có lợi".
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, thỏa thuận này đã được 11 thành viên còn lại đổi thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đã có hiệu lực từ tháng 12/2018.