📞

Mỹ - Iran: Sẽ hửng nắng?

09:00 | 28/11/2008
Chính phủ Iran đã chúc mừng Tổng thống đắc cử Barack Obama chỉ ít lâu sau có tin chiến thắng, coi đây là sự đột phá cho mối quan hệ hai bên từ ba thập kỷ qua. Lần đầu tiên kể từ Cách mạng Iran, Tehran gửi đi những lời chúc mừng như vậy. Tuy nhiên, sự ấm lên của quan hệ Mỹ - Iran không phải chỉ bắt đầu từ thắng lợi của ông Obama.

Trước đó, Mỹ đã gia tăng sự căng thẳng với Iran. Một mặt, Mỹ gây sức ép với các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an LHQ (Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và Đức phối hợp với Washington đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Mặt khác, Mỹ chủ ý chứng tỏ dấu hiệu gia tăng các hành động quân sự, trong đó có vụ việc về thông tin bị rò rỉ đăng trên tờ The New York Times liên quan đến những động thái chuẩn bị của Israel về các cuộc không kích chống Iran.

Tuy nhiên, sau cuộc xung đột Nga-Gruzia, khi Mỹ công khai đứng bên cạnh Gruzia thì khả năng Nga ủng hộ các biện pháp chống Iran đã tan biến. Trong khi Nga phản đối yêu cầu gia tăng các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc cũng làm như vậy. Nếu Nga và Trung Quốc không sẵn sàng tham gia các biện pháp trừng phạt, không biện pháp trừng phạt nào có thể thực hiện. Chưa kể đến việc tài và lực của Mỹ đã dàn trải quá sức, từ sự tham chiến ở nước ngoài đến cuộc khủng hoảng tài chính từ bên trong đất nước. Đó là lý do chính lý giải việc Mỹ bỗng nhiên thay đổi quan điểm với Iran. Trước ngày 8/8, Washington muốn Tehran cảm thấy bị tấn công, nhưng sau ngày 8/8, điều mà Mỹ muốn chỉ là người Iran cảm thấy đang bị đe dọa. Đó là bước chuyển quan trọng trong quan hệ vốn lâu nay vẫn rất xấu giữa Mỹ và Iran.

Bên cạnh đó, có thông tin dù chưa chính thức nhưng vẫn được đặc biệt quan tâm như việc chính quyền Bush đưa ra ý kiến mở một cơ quan đại diện quyền lợi Mỹ tại Iran - hình thức công nhận ngoại giao ở cấp thấp nhất. Thông tin này rộ lên lần thứ nhất sau chiến sự ở Nam Ossetia, lần thứ hai là ngày trước ngày bầu cử Tổng thống. Có vẻ như chính quyền Bush đã nhận ra vai trò quan trọng của Tehran và việc mở cửa chính thức với Iran là cần thiết.

Phương thức ngoại giao khôn khéo của Iran cũng đóng vai trò đáng kể trong diễn biến tích cực này. Theo đó, Iran quan tâm đến việc xây dựng vũ khí hạt nhân ít hơn là việc làm cho Mỹ tin rằng họ đang xây dựng vũ khí này. Tehran cho rằng họ có thể sử dụng mối đe dọa về chương trình hạt nhân để buộc Mỹ phải quan tâm hơn đến những quyền lợi của Iran tại Iraq - một vấn đề quan trọng đối với Iran. Điều này có vẻ giống như những gì đang diễn ra ở CHDCND Triều Tiên.

Có tác động khác đến từ Iraq, nơi mà Mỹ đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mỹ dường như đã chấp thuận một Chính phủ Iraq trung lập giữa Washington và Tehran. Đây được coi là một thất bại lớn đối với Mỹ, song là điều không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh hiện tại. Cuộc rút quân của Mỹ mà không có lực lượng nào để lại có nghĩa là người Iran sẽ trở thành lực lượng chi phối ở khu vực này. Đó rõ ràng không phải mong muốn của Mỹ. Cho đến nay, quan điểm của ông Obama mới chỉ là ủng hộ việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq theo thời gian biểu nhất định, song vẫn chưa rõ ràng về việc có để lại một số quân ở đó hay không. Hiện thỏa thuận an ninh Mỹ - Iraq vẫn chưa thể được thông qua, thậm chí sẽ còn phải qua trưng cầu dân ý ở Iraq.

Có nhận định cho rằng, nhiều khả năng trước khi rời Nhà Trắng, ông Bush sẽ dọn đường cho người kế nhiệm Obama bằng cách thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Iran, tiến tới chính thức công khai đàm phán giữa Mỹ và Iran. Nếu diễn ra, đây sẽ là điều hết sức ý nghĩa, thậm chí có thể góp phần đáng kể cho sự ổn định của khu vực.

Vân Thanh