📞

Mỹ-Iran: Sự thật về việc Mỹ chiếm quyền kiểm soát trang web truyền thông Iran

Minh Vương 18:09 | 23/06/2021
Có gì sau việc Mỹ đột ngột chiếm quyền kiểm soát trang web của nhiều cơ quan truyền thông Iran cùng một số lực lượng vũ trang tại Trung Đông?

Tối ngày 22/6, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã thu giữ 33 trang web được Liên minh Phát Thanh và Truyền hình Hồi giáo Iran (IRTVU) sử dụng, cùng 3 trang web do lực lượng Kata’ib Hezbollah (KH) điều hành do “vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ”.

Người dùng không thể truy cập các trang web của một số hãng truyền thông Iran như Press TV, Al-Alam hay trang web của kênh truyền hình Al-Mashirah của lực lượng vũ trang tại Yemen sẽ không hiển thị nội dung. Thay vào đó là thông báo “đã bị kiểm soát bởi chính phủ Mỹ” theo các điều luật cấm vận, cùng con dấu Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Thương mại Mỹ.

PressTV là kênh truyền hình tiếng Anh do nhà nước Iran quản lý, còn Al-Alam là hãng truyền thông tiếng Arab của nước này.

Mỹ chiếm quyền kiểm soát hàng loạt trang truyền thông Iran, bao gồm Press TV. (Ảnh chụp màn hình)

Trên Twitter, PressTV cho rằng đây là một hành động mang tính phối hợp của chính phủ Mỹ nhắm vào các mạng truyền hình của Iran trong khu vực. Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIB), công ty mẹ của Al-Alam cũng đưa ra nhận định tương tự, cáo buộc Mỹ chèn ép tự do ngôn luận và phối hợp với Israel, Saudi Arabia “bịt miệng các kênh truyền thông đang hé lộ những tội ác từ các đồng minh của Mỹ trong khu vực”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã từ chối bình luận về thông tin này.

Có một vài điểm đáng thú vị xung quanh bước đi mới nhất của chính quyền Mỹ với Iran.

Về bản chất, hành động của Washington với các trang web nêu trên không phải là tấn công mạng. Tên miền của chúng hầu hết có đuôi “.net”, “.com” và “tv”. Tên miền có hai đuôi “.net” và “.com” là tên miền cấp cao chung (gTLD), trong khi tên miền có đuôi “.tv” thuộc quyền sở hữu của quốc gia/vùng lãnh thổ cụ thể, ở đây là quần đảo Tuvalu, nhưng do công ty Verisign (Mỹ) quản lý.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết tên miền ba trang web KH thuộc quyền sở hữu của các công ty Mỹ, đồng thời khẳng định cả IRTVU và KH đã không có đủ giấy phép để sử dụng tên miền này, dù là trước lệnh cấm vận ngày 22/10/2020 của cựu Tổng thống Donald Trump.

Vậy chính xác thì Bộ Tư pháp Mỹ đã làm gì? Trong trường hợp của PressTV, Washington đã sử dụng quyền hành pháp yêu cầu Verisign chỉnh sửa thông tin của tên miền và kết nối với máy chủ trung gian (DNS), khiến tên miền presstv.com điều hướng truy cập của người dùng tới IP của chính phủ Mỹ, thay vì IP máy chủ gốc của PressTV.

Về lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên hàng loạt trang web, tên miền có liên quan đến Iran trở thành mục tiêu của chính phủ Mỹ. Tháng 10/2020, các công tố viên Mỹ đã chiếm quyền kiểm soát 92 tên miền của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị cáo buộc phát tán tin giả, nhằm vào độc giả ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại hành động như vậy vào lúc này?

Vòng đàm phán gián tiếp về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Mỹ-Iran, với sự trung gian của đại diện châu Âu trong P5+1, chỉ vừa kết thúc hôm 20/6. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết dù còn bất đồng, đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna đã tới “gần hơn bao giờ hết” tới khôi phục JCPOA. Động thái mới nhất của Washington rõ ràng không mang lại lợi ích cho tiến trình này.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng hành động của Mỹ là động thái đáp trả tuyên bố cứng rắn của ông Ebrahim Raisi, người vừa trở thành Tổng thống đắc cử Iran. Nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ không gặp mặt ông chủ Nhà Trắng Joe Biden, cáo buộc xứ cờ hoa vi phạm JCPOA, song nhấn mạnh “chính sách đối ngoại của Iran sẽ không bị giới hạn bởi JCPOA”. Trong bối cảnh đó, Động thái của Bộ Tư pháp Mỹ, chiếm quyền kiểm soát tên miền một số trang web của truyền thông của Tehran có thể là lời cảnh cáo của Washington, thể hiện sức mạnh trên không gian mạng của mình.