Cuộc đàm phán có sự tham gia của cố vấn Trung Đông Brett McGurk của Tổng thống Joe Biden (ảnh). (Nguồn: Reuters) |
Mạng Axios ngày 17/5 đưa tin 2 quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, gồm Cố vấn cấp cao về khu vực Trung Đông Brett McGurk và quyền Đặc phái viên về Iran Abram Paley - đã tổ chức các cuộc trao đổi gián tiếp trong tuần này với những người đồng cấp Iran nhằm tránh leo thang các vụ tấn công trong khu vực.
Theo Axios, sự kiện nêu trên đánh dấu vòng thảo luận đầu tiên giữa Mỹ và Iran kể từ tháng 1/2024 và diễn ra sau cuộc tập kích bằng tên lửa và UAV của Tehran nhằm vào lãnh thổ Israel hôm 13/4.
Từ Tehran, hãng thông tấn IRNA ngày 18/5 dẫn tuyên bố của phái bộ Iran tại Liên hợp quốc xác nhận thông tin trao đổi với phía Mỹ, khẳng định đây là “quá trình đang diễn ra”. Tuyên bố có đoạn: “Những cuộc thảo luận này không phải là đầu tiên nhưng cũng không phải là cuối cùng”.
Trong khi đó, quân đội Israel ngày 18/5 tiếp tục tấn công thành phố Jabalia, phía Bắc Dải Gaza, đồng thời kêu gọi người dân trong khu vực sơ tán khỏi nhà và đến nơi trú ẩn ở phía Tây thành phố Gaza.
Trên mạng xã hội X, người phát ngôn Avichay Adraee tuyên bố quân đội Israel đã tiêu diệt “một nhóm phá hoại ở Jabalia sau khi đụng độ với các thành viên của nhóm này bên trong các tòa nhà, nơi những kẻ phá hoại chạy lên mái nhà và nổ súng vào lực lượng quân đội”.
Người phát ngôn Adraee cũng cho biết quân đội Israel đã bao vây các tòa nhà và tiêu diệt nhóm trên sau một cuộc đọ súng, đồng thời lưu ý phía quân đội Israel không chịu bất kỳ tổn thất nào trong cuộc đụng độ. Tuy vậy, người phát ngôn quân đội Israel không cung cấp thêm thông tin về danh tính của “những kẻ phá hoại”.
Trước đó cùng ngày, các nguồn tin y tế Palestine xác nhận ít nhất 28 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong những vụ đột kích liên tiếp của Israel vào trại tị nạn Jabalia.
Các nguồn tin an ninh Palestine cho hay, máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công bằng tên lửa vào một số nhà dân và một trung tâm tạm trú dành cho những người di tản trong trại tị nạn Jabalia.
Kênh Al-Qahera News ngày 18/5 dẫn một nguồn tin cấp cao của Ai Cập tiết lộ Cairo sẽ không rút lại ý định tham gia cùng Nam Phi trong vụ kiện chống lại Israel tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Nguồn tin phủ nhận các thông tin do truyền thông Israel đăng tải về vấn đề nêu trên, đồng thời khẳng định Ai Cập quyết tâm thực hiện những biện pháp cần thiết để lên án các hành vi của Israel tại ICJ.
Ngày 12/5, Ai Cập tuyên bố sẽ can thiệp để ủng hộ vụ kiện diệt chủng của Nam Phi chống lại Israel tại ICJ, nhấn mạnh quyết định này xuất phát từ mức độ ngày càng nghiêm trọng và quy mô ngày càng gia tăng của những cuộc tấn công do Israel thực hiện chống lại người Palestine ở Dải Gaza.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố nêu rõ: “Các cuộc tấn công của Israel - bao gồm hành vi cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường, phá hủy cơ sở hạ tầng, ép buộc người Palestine phải di dời và tạo ra những điều kiện sống không thể chịu đựng nổi - gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng chưa từng có ở Gaza. Những hành động như vậy đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, luật nhân đạo và Công ước Geneva thứ tư năm 1949 về bảo vệ dân thường trong thời xảy ra xung đột”.
Ai Cập đã trở thành quốc gia Arab thứ 6 tham gia vụ kiện diệt chủng của Nam Phi chống lại Israel, sau Syria, Iraq, Jordan, Liban và Libya.
Cũng trong ngày 18/5, Cơ quan Cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) công bố số liệu ghi nhận khoảng 800.000 người Palestine đã “buộc phải chạy trốn" khỏi thành phố Rafah kể từ khi Israel bắt đầu các hoạt động quân sự ở thành phố này hôm 7/5. UNRWA cho hay một lần nữa, gần một nửa dân số Rafah phải chạy trốn đến khu vực được gọi là an toàn, chủ yếu là miền Trung Gaza và thành phố Khan Younis. Tuy nhiên, điều kiện sống của họ hết sức tồi tệ do không có nguồn cung cấp nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa (CH) Cyprus Theodoros Gotsis ngày 18/5 tuyên bố Nicosia đang nhắm mục tiêu bảo đảm thông suốt dòng chảy viện trợ nhân đạo không ngừng từ cảng Larnaca vào Dải Gaza.
Ông Gotsis chia sẻ: “Các kế hoạch nằm trong Dự án Amalthea cung cấp 2.000 tấn viện trợ nhận đạo mỗi tuần”. Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao CH Cyprus nhấn mạnh dự án này chỉ đóng vai trò bổ sung cho luồng viện trợ chủ yếu bằng đường bộ.
Theo người phát ngôn Gotsis, chính quyền Cyprus sẽ bảo đảm kiểm tra viện trợ kịp thời để nguồn hàng này có thể đến tay những người Palestine một cách sớm nhất có thể. Ông khẳng định Dự án Amalthea vẫn để mở đối với các quốc gia đóng góp.
Ngoài ra, đại diện Bộ Ngoại giao CH Cyprus còn cho biết giới chức nước này đang xây dựng những nội dung cuối cùng liên quan đến Quỹ Amalthea, vốn sẽ sớm được đưa vào vận hành để cung cấp tài chính cho Dự án viện trợ Amalthea.