Biển Đông là một trong những vấn đề được hai nhà lãnh đạo Mỹ-Philippines thảo luận trong cuộc gặp ngày 1/5. (Nguồn: AP) |
Ngày 1/5, phát biểu tại Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ 4 ngày, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói rằng quốc gia Đông Nam Á này đang ở trong khu vực có "tình hình địa chính trị được cho là phức tạp nhất thế giới hiện nay".
"Vì vậy, theo lẽ thường tình, Philippines tìm đến đồng minh theo hiệp ước duy nhất để củng cố, xác định lại mối quan hệ mà chúng ta có và vai trò của chúng ta khi đối mặt những căng thẳng đang gia tăng quanh Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương".
Đáp lại, Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden nhấn mạnh, "Mỹ duy trì cam kết sắt đá trong việc bảo vệ Philippines, bao gồm cả ở Biển Đông".
Theo Tuyên bố chung sau cuộc gặp, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay Philippines ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, sẽ kích hoạt cam kết bảo vệ của Mỹ theo hiệp ước phòng thủ chung được hai nước ký năm 1951.
Tuyên bố chung cũng nêu rõ, hai lãnh đạo "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu".
Ông Marcos đến Mỹ ngày 30/4 và cuộc gặp với ông Biden tại Nhà Trắng là trọng tâm chuyến thăm lần này. Philippines gần đây đồng ý cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của mình theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao.
Hai bên cũng tiến hành các cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay trong những tuần gần đây.
Giới chức Mỹ cho biết trong chuyến thăm của ông Marcos, hai lãnh đạo sẽ thống nhất các định hướng mới để tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế. Chính quyền Mỹ cũng sẽ chuyển giao ba vận tải cơ C-130 và gửi thêm tàu tuần tra tới Philippines.