Hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời người phát ngôn trên nêu rõ "hành động này (các biện pháp trừng phạt) không có nghĩa là Mỹ cắt đứt đối thoại với Nga". Chính quyền Mỹ đã thiết lập một số kênh liên lạc với Moscow về các vấn đề Ukraine, Syria, kiểm soát vũ khí, các vấn đề song phương và nhiều vấn đề khác. Hiện Washington vẫn tiếp tục tìm kiếm những kết quả tích cực về các vấn đề này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), tháng 7/2017. (Nguồn: AFP) |
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 24 công dân và 14 công ty của Nga. Nga đã ngay lập tức chỉ trích quyết định này là vô căn cứ, thiếu thiện chí và vô ích, đồng thời nhấn mạnh Moscow sẽ đáp trả nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt trên.
Hồi tháng trước, Mỹ cũng đã quyết định trừng phạt 19 người và 5 thực thể của Nga với cáo buộc Moscow tiến hành các cuộc tấn công mạng ít nhất 2 năm trở lại đây. Trong danh sách này có Cơ quan an ninh liên bang (FSB), các tổ chức tình báo, Lực lượng đặc nhiệm (GRU) và 6 cá nhân làm việc cho GRU. Moscow tuyên bố sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt này của Washington bằng cách mở rộng "danh sách đen" gồm các công dân Mỹ.
Do các cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Syria..., từ năm 2014 đến nay, chính quyền Mỹ cùng nhiều nước đồng minh phương Tây liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt các cá nhân và tập thể Nga. Việc Washington công bố các biện pháp trừng phạt lần này cho thấy quan điểm ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với Nga bất chấp việc lãnh đạo hai nước từng tuyên bố muốn cải thiện quan hệ song phương sau khi đánh giá mối quan hệ đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.