Theo tuyên bố trên, Mỹ giải thích rằng việc họ không tán thành các nội dung do những đồng nghiệp G7 khác (gồm Italy, Canađa, Nhật Bản, Pháp, Anh và Đức) đưa ra về vấn đề biến đổi khí hậu và về các ngân hàng phát triển đa phương trong Tuyên bố chung là phản ánh quyết định gần đây của Washington rút khỏi cũng như ngừng ngay lập tức việc thực hiện Hiệp định Paris và các cam kết tài chính liên quan. Mỹ sẽ tiếp tục can dự với các đối tác quốc tế chủ chốt theo cách phù hợp với những ưu tiên trong nước để bảo vệ cả nền kinh tế lẫn một môi trường lành mạnh.
Hãng tin ANSA cho biết văn kiện cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 sau hai ngày họp ở Bologna, Italy đã được toàn thể các đại biểu thông qua, nhưng kèm theo phần chú thích trong đó Mỹ nói rằng họ không tuân thủ phần nội dung về biến đổi khí hậu và các ngân hàng phát triển.
Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) Scott Pruitt tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7, diễn ra tại Bologna, Italy. (Nguồn: AFP) |
Lập trường nói trên của Mỹ là theo tinh thần quyết định hồi đầu tháng của Tổng thống Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp định Paris. Theo ông Trump, việc tham gia Hiệp định Paris sẽ gây phương hại cho nền kinh tế Mỹ, làm giảm số lượng việc làm, khiến chủ quyền quốc gia của Mỹ bị suy yếu và đẩy nước này vào thế bất lợi lâu dài so với các nước khác. Ông Alden Meyer, Giám đốc phụ trách chiến lược và chính sách của “Liên minh Các nhà khoa học quan tâm” cho rằng sự chia rẽ này trong G7 là "chưa từng có".
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot khẳng định cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu là không thể đảo ngược, thậm chí có thể được đẩy nhanh bất chấp quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris. Ông Hulot cho biết các đồng minh của Mỹ quyết tâm không để lập trường gây tranh cãi của ông Trump trong vấn đề khí hậu ảnh hưởng đến sự hợp tác về các vấn đề sinh thái khác. “Khuôn khổ pháp lý duy nhất cho các cuộc đàm phán về vấn đề khí hậu chính là hiệp định và những mục tiêu đã được ấn định ở Paris. Chắc chắn Hiệp định Paris cũng như những mục tiêu này là không thể đảo ngược”.
Cũng theo ông Hulot, các cam kết của Mỹ về những vấn đề môi trường khác, nhất là việc làm sạch các đại dương trên thế giới, là chắc chắn. Ngoài ra, cam kết của những bên tham gia ngành công nghiệp về việc sử dụng các công nghệ xanh và năng lượng tái tạo sẽ không bị ảnh hưởng. Mặc dù thừa nhận việc Tổng thống Trump chấm dứt sự tài trợ của Mỹ cho những nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là một sự tụt dốc quan trọng, ông Hulot cho biết Pháp và các nước khác đang tìm cách để ”đền bù” thông qua các ngân hàng đa phương.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về khí hậu, được 195 nước ký kết và có hiệu lực từ tháng 11/2016, với những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm lượng khí thải CO2 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Mỹ hiện là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Theo Hiệp định Paris, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% lượng khí thải gây so với năm 2005. Việc Mỹ rút khỏi văn kiện này đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế. Theo nhận định của giới chuyên gia, thiếu Mỹ, thỏa thuận này kém hiệu quả hơn cũng như cản trở nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.