Phát biểu khi tham dự cuộc họp của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong ngành viễn thông mới đây, ông Bello khuyến cáo khu vực Mỹ Latin cần khẩn trương thay đổi phương thức sản xuất bằng việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Phát triển Internet là điều cần thiết để phát triển kinh tế khu vực Mỹ Latin. (Nguồn: TC) |
Ông Bello, người đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu viễn thông Mỹ Latin, bày tỏ quan ngại trước thực trạng năng suất của các nền kinh tế khu vực đã không tăng trong những năm gần đây. Theo chuyên gia này, việc chậm triển khai số hóa và tự động hóa trong sản xuất sẽ là thách thức và trở ngại lớn nhất mà Mỹ Latin phải đối mặt trong tương lai.
Trong khi đó, công ty tư vấn McKinsey & Company nhận định nếu Mỹ Latin không áp dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất, tăng trưởng kinh tế dự kiến của khu vực này trong 15 năm tới sẽ thấp hơn so với 15 năm trước từ 40% đến 50%.
Chuyên gia Bello khẳng định để đạt được mục tiêu trên, Mỹ Latin cần sự vào cuộc của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp. Ông cũng nêu bật vai trò của các tổ chức như Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID), Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và vùng Caribbean của Liên hợp quốc (CEPAL) và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latin (CAF) trong việc triển khai kế hoạch này. Theo ông Bello, đây là công việc cấp bách, có ý nghĩa quan trọng bởi nếu không triển khai nhanh Mỹ Latin sẽ phải trả giá rất đắt. Ngoài ra, Mỹ Latin cũng cần phải xóa khoảng cách kỹ thuật số. Mặc dù đạt những tiến bộ khi triển khai mạng băng thông rộng và công nghệ di động, nhưng một nửa dân số khu vực vẫn chưa được tiếp cận mạng Internet.
Ông Bello nhận định để phát triển ngang bằng với các nước phát triển trong việc kết nối mạng, Mỹ Latin cần đầu tư 400 tỷ USD vào lĩnh vực hạ tầng. Đây không phải là công việc dễ dàng bởi chưa bao giờ khu vực được công nghiệp hóa hoàn toàn. Chỉ có một vài trung tâm công nghiệp tại Brazil, Mexico và Colombia, nhưng kinh tế các nước này vẫn dựa trên xuất khẩu nguyên liệu, đặc biệt lĩnh vực kỹ thuật số phát triển rất chậm chạp. Mỹ Latin xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nhập khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng. Điều tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, khi cung cấp các dữ liệu cá nhân cho những tập đoàn như Google, Amazon và Facebook, trong khi sử dụng hạ tầng thông tin và dịch vụ điện tử đã có sẵn.
Theo ông Bello, tiếng Tây Ban Nha là một lợi thế rất lớn của khu vực để đạt được mục tiêu trên. Mỹ Latin có đầy đủ nguồn lực, khả năng đổi mới và quyết tâm để giành một vị thế quan trọng trong ngành kinh tế kỹ thuật số ở thế kỷ XXI. Chuyên gia ASIET cũng nhấn mạnh chính phủ các nước Mỹ Latin cần tập trung đầu tư và điều chỉnh mô hình giáo dục, đào tạo nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân công trong lĩnh vực này.