📞

Mỹ nêu lĩnh vực có thể hợp tác với Trung Quốc, châu Âu nói gì?

Minh Vương 09:20 | 18/10/2022
Quan chức Mỹ cho biết nước này có thể tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực cụ thể, trong khi châu Âu lại nhấn mạnh thách thức từ Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng nước này có thể tăng cường hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và chống buôn bán ma túy. (Nguồn: AP)

Ngày 17/10, phát biểu tại Đại học Stanford (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này mong muốn hợp tác vì lợi ích chung với Trung Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi đã thấy một Trung Quốc rất khác, xuất hiện trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và trong nhiều trường hợp, Trung Quốc như vậy gây ra thách thức đối với lợi ích cũng như giá trị của nước Mỹ”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhận định mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không nên trở thành một vấn đề không thể giải quyết. Về cơ bản, thế giới mong chờ hai nước hợp tác nhiều hơn với nhau trong chống biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu và có thể là hợp tác chống buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Ông cũng nêu ví dụ, cho rằng Mỹ không thể một mình đối phó với vấn đề chống biến đổi khí hậu nếu Trung Quốc từ chối đặt mình là một bên tham gia tích cực.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho rằng EU nên xem Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh nhiều hơn nữa và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào nước này.

Trong báo cáo dài 5 trang chuẩn bị cho hội nghị ngoại trưởng EU ở Luxembourg, Cơ quan Hành động Bên ngoài Châu Âu, do ông Borrell đứng đầu, cho rằng EU nên theo đuổi “thực tế và tăng cường can dự”. Từ năm 2019, EU đã coi Trung Quốc là một đối tác, một đối thủ cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ và đối thủ hệ thống.

Ông Josep Borrell cho rằng EU cần coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nhiều hơn nữa. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu với báo giới sau hội nghị, ông Borrell nói rằng vai trò của Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh đã trở nên quan trọng hơn. Quan chức EU nhấn mạnh, “thông điệp từ Trung Quốc bây giờ là một trong những điều cạnh tranh” cũng như thành công kinh tế của Trung Quốc và tham vọng của nước này về ảnh hưởng ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và các nơi khác.

Theo ông, châu Âu nên giảm sự phụ thuộc bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng về công nghệ và nguyên liệu thô quan trọng, đồng thời tránh những lỗ hổng mới. Ông nói: “Hiện nay chúng ta đang nói về sự phụ thuộc của chúng ta, tính dễ bị tổn thương do khí đốt Nga. Chúng ta phải tránh tạo ra những nhân tố mới”.

Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 20-21/10 tới, lãnh đạo EU dự kiến thảo luận về quan hệ với Trung Quốc, khởi động một tiến trình “tinh chỉnh” các mối quan hệ.

Hội nghị ngoại trưởng EU tại Luxembourg diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu chính sách quan trọng. Theo ông Borrell, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra “một tuyên bố rất mạnh mẽ” về tham vọng của Trung Quốc có ảnh hưởng trên toàn thế giới. Báo cáo của EU cũng cho rằng Bắc Kinh đang thúc đẩy một cách có hệ thống “tầm nhìn trật tự thế giới thay thế”, nơi kinh tế và phát triển xã hội nổi bật hơn chính trị và các quyền dân sự.

Châu Âu tin rằng hợp tác với Trung Quốc vẫn có ý nghĩa trong các vấn đề như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU nói rằng liên minh này lo ngại về các chính sách đối nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan hệ của nước này với Nga. Một quan chức EU nói: “Mục tiêu không phải là thay đổi triệt để chính sách này nhưng rõ ràng nhiều điều đã xảy ra”.

(theo Reuters)