Nhỏ Bình thường Lớn

Mỹ - Nhật “bắt tay” giám sát tàu ngầm Trung Quốc

Ngày 10/9, nguồn tin từ Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) cho hay, Nhật và Mỹ đang hợp tác để triển khai hệ thống phát hiện tàu ngầm (SOSUS) tại khu vực quần đảo Nansei, thuộc Thái Bình Dương, nhằm đối phó với hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Tàu ngầm Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Mục đích của SOSUS là theo dõi tiếng động dưới đáy biển tại khu vực quần đảo Nansei, cho phép Tokyo và Washington phát hiện tàu ngầm Trung Quốc di chuyển từ biển Hoa Đông và Hoàng Hải ra Thái Bình Dương. Vì việc triển khai SOSUS là kế hoạch “tuyệt mật” nên MSDF chỉ giải thích những đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống do Mỹ phát triển này cho Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và một số lãnh đạo chủ chốt của chính phủ Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên thông tin về sự tồn tại của một hệ thống theo dõi chỉ nhằm vào Trung Quốc được tiết lộ.

Một số nguồn tin cũng cho biết thêm, SOSUS có hai đường dây cáp kết nối với nhiều mạng lưới ống nghe dưới nước. Trong đó, một đường cáp kéo dài từ Okinawa tới phía Nam đảo Kyushu, đường còn lại đi từ Okinawa tới vùng biển ngoài khơi Đài Loan.

Trước đó, có thông tin rằng Tokyo và Washington từng triển khai một phiên bản cũ hơn của SOSUS dưới đáy eo biển Tsugaru, phía Đông Bắc Nhật Bản và tại eo biển Tsushima, phía Tây Nam nước này, nhằm phát hiện các tàu ngầm của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hoạt động “bắt tay” giám sát tàu ngầm Trung Quốc được cho là nhằm tăng cường quan hệ quân sự Mỹ - Nhật. Trên thực tế, đây không phải lần đầu hai bên hợp tác. Trước đó, tàu sân bay USS George Washington đã có mặt ở căn cứ đặt tại quần đảo Nansei nhưng đã trở về Mỹ hồi tháng Năm vừa qua để bảo trì. Ngoài ra, hoạt động tại quần đảo này còn có tàu USS Ronald Reagan, hoạt động từ năm 2003 và được đánh giá hiện đại hơn tàu USS George Washington, do được nâng cấp thêm nhiều khả năng mới.

Hồng Giang (tổng hợp)