Nga cho rằng cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Nhật Bản ở sát biên giới là mối đe dọa đối với an ninh nước này. (Nguồn: New York Times) |
Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thử nghiệm hệ thống HIMARS ngày 10/10 ở gần biên giới Nga là một “thách thức đối với công cuộc đảm bảo an ninh” khu vực Viễn Đông của nước này. Do đó, Moscow yêu cầu Tokyo chấm dứt ngay lập tức những hành động tương tự nhằm ngăn chặn các mối đe dọa quân sự đối với Nga.
Bộ Ngoại giao nước này cũng khẳng định, Nhật Bản đã từng tuyên bố xây dựng bãi tập Yausubesu không phải vì mục đích thử nghiệm các loại vũ khí như trên.
Cuộc tập trận giữa Mỹ-Nhật diễn ra trong khoảng thời gian 1-14/10, với sự tham gia của 150 thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và 40 lính thủy đánh bộ Mỹ. Ngày 10/10, tại khu huấn luyện quân sự lớn nhất Nhật Bản (Yausubetsu) phía Đông Hokkaido, hai bên đã bắn thử hệ thống HIMARS - hệ thống tên lửa Mỹ vẫn hỗ trợ cho quân đội Ukraine.
Trước đó, theo một số nguồn tin, Mỹ và đồng minh Nhật Bản đã phải giảm quy mô cuộc tập trận này do thiếu đạn. Theo kế hoạch, một phần trong đợt diễn tập nhằm “phát triển kỹ năng sử dụng HIMARS liên quan đến tình hình ở Ukraine”.
Tuy nhiên, do tình trạng cạn kiệt đạn pháo, hai bên đã hủy bỏ phần này và chỉ sử dụng hệ thống tên lửa đa nòng của Tokyo. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ các đạn pháo loại này đã không được chuyển đến địa điểm bắn do liên quan đến một số thủ tục cần thiết từ phía Washington.
Ngày 11/10, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó có 4 hệ thống HIMARS, bên cạnh 16 hệ thống đã cung cấp cho Kiev trước đó.