Philippines phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian qua. (Nguồn: AP) |
Lần đầu tiên kể từ 7 năm qua, Mỹ và Philippines đã tiến hành nhóm họp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng tại Washington ngày 11/4.
Thông cáo chung sau cuộc họp khẳng định “lập trường chung” về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời “phản đối mạnh mẽ” hành động bành trướng, khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tham dự cuộc Đối thoại 2+2 lần thứ 3 là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken, cùng hai người đồng cấp Philippines là Bộ trưởng Quốc phòng Carlito Galvez và Ngoại trưởng Enrique Manalo.
Thông cáo chung Mỹ-Philippines đã chỉ đích danh các “mưu đồ gần đây” Trung Quốc nhằm cản trở các hoạt động của Philippines trên biển cũng như việc các tàu dân quân biển Trung Quốc liên tục tập trung ở một số nơi trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Mỹ-Philippines kêu gọi Trung Quốc “tuân thủ đầy đủ Phán quyết của Tòa trọng Tài thường trực năm 2016 về Biển Đông”.
Hai đồng minh nhấn mạnh rằng phán quyết nói trên, dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, có giá trị cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên, đồng thời xác nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với EEZ và thềm lục địa của nước này.
Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hai bên tái khẳng định các cam kết liên minh vững chắc theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) năm 1951, để tự vệ “chống lại mọi cuộc tấn công vũ trang tại Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông”.
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cũng đã thảo luận về kế hoạch nhanh chóng đưa vào hoạt động 4 căn cứ mới mà Philippines vừa mở cửa cho Mỹ theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA).
Cùng với Biển Đông, việc duy trì hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan (Trung Quốc) được hai bên khẳng định “như một yếu tố không thể thiếu đối với thịnh vượng và an ninh toàn cầu”.
Cuộc gặp 2+2 giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Philippines lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2012, một sự kiện mà khi đó hai bên mô tả là “minh chứng cho cam kết chung nhằm viết nên một chương mới trong quan hệ đối tác giữa hai nước”.
Tuy nhiên, Đối thoại 2+2 đã không được tổ chức kể từ năm 2016, thời điểm ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines. Khi nhậm chức vào tháng 7 năm đó, Tổng thống Duterte đã khởi xướng một chính sách xoay trục nhanh chóng, giảm bớt những cam kết với Mỹ và bước sang một trang mới trong quan hệ với Trung Quốc, bất chấp các hành động quyết đoán liên tục của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Do đó, việc nối lại Đối thoại 2+2 là biểu tượng cho sự tiến bộ vượt bậc gần đây trong liên minh Mỹ-Philippines.
| Phán quyết của Tòa Trọng tài: Vẫn là cơ sở mạnh mẽ mà không cần sự công nhận của Trung Quốc * Các quan chức và chuyên gia cho rằng, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế 5 năm trước là dấu mốc quan trọng và ... |
| Philippines ra công hàm phản đối Trung Quốc vụ tàu hải cảnh cản trở tại Biển Đông Ngày 29/3, Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon cho biết, Philippines đã gửi công hàm phản đối vụ việc tàu Cảnh sát biển ... |
| Mỹ kêu gọi Triều Tiên dừng 'hành động khiêu khích' và đối thoại, Bình Nhưỡng gửi thông điệp cứng rắn Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông báo khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ thực hiện "các biện pháp đáp trả quân sự ... |
| Nhật Bản-Philippines kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo phán quyết của Tòa trọng tài Mới đây, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo, các ngoại trưởng của nước này và Philippines đã tái khẳng định cam kết tăng cường ... |
| Phán quyết Tòa trọng tài và UNCLOS 1982 - hai 'mỏ neo' chính sách và hành động của Philippines tại Biển Đông Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về Biển Đông năm 2016 là dấu mốc quan trọng và ... |