Binh sĩ Israel đứng cạnh các xe quân sự gần biên giới nước này với Gaza trong bối cảnh xung đột đang diễn ra tại dải đất của Palestine giữa Israel và nhóm Hồi giáo Hamas, ở miền Nam Israel, ngày 1/5. (Nguồn: Reuters) |
Thỏa thuận này do Israel vạch ra và được Tổng thống Mỹ Joe Biden trình bày trước đó.
Tuyên bố nêu rõ: “Qatar, Mỹ và Ai Cập cùng kêu gọi cả Hamas và Israel hoàn tất thỏa thuận mang tính nguyên tắc do Tổng thống Biden trình bày vào ngày 31/5...
Những nguyên tắc này tập hợp yêu cầu của tất cả các bên trong một thỏa thuận phục vụ nhiều lợi ích và sẽ mang lại sự cứu trợ ngay lập tức cho cả người dân Gaza cũng như các con tin và người thân của họ đang chịu đựng đau khổ kéo dài”.
Đồng thời, tuyên bố cũng nhấn mạnh: “Thỏa thuận đưa ra lộ trình cho lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và chấm dứt cuộc khủng hoảng”.
Trước đó, ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel đã đưa ra "lộ trình" hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin.
Cụ thể, đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Trong diễn biến liên quan, ngày 1/6, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel và người đứng đầu đảng Otzma Yehudit, Itamar Ben Gvir, đã bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin vừa được đề xuất, đồng thời nói rằng ông sẽ “giải tán chính phủ” nếu thỏa thuận này được Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông qua.
Ông Ben Gvir cùng với đồng minh của mình là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cảnh báo Thủ tướng Netanyahu rằng, chính phủ của ông sẽ sụp đổ nếu chấp nhận thỏa thuận vừa được đề xuất.
Trong khi đó, Thủ lĩnh phe đối lập Yair Lapid chỉ trích phát biểu của ông Smotrich và Ben Gvir là “từ bỏ an ninh quốc gia, các con tin” cũng như cư dân miền Bắc và miền Nam của Israel.
Cùng ngày 1/6, kênh truyền hình Al-Qahera News dẫn một nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết, Cairo sẽ tổ chức cuộc họp giữa các quan chức Mỹ, Ai Cập và Israel vào ngày 2/6 để thảo luận về việc mở lại cửa khẩu biên giới Rafah.
Nguồn tin trên nhấn mạnh yêu cầu của quốc gia Bắc Phi về việc lực lượng Israel phải rút hoàn toàn khỏi cửa khẩu Rafah, vốn đã bị đóng cửa kể từ khi lực lượng này chiếm giữ cửa khẩu phía Palestine hồi đầu tháng 5/2024.
Cũng theo nguồn tin, Ai Cập đã nhắc lại với tất cả các bên về lập trường kiên định của Cairo là không mở cửa khẩu Rafah chừng nào Israel vẫn duy trì quyền kiểm soát khu vực cửa khẩu phía Dải Gaza.
Ai Cập nêu rõ, Israel phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc đóng cửa khẩu Rafah và tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở dải đất của Palestine.