Phát biểu ngày 13/10 về vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Iran không thực sự tuân thủ tinh thần của thỏa thuận… Chính quyền Iran đang hỗ trợ khủng bố, xuất khẩu bạo lực và hỗn loạn khắp Trung Đông. Do đó, Mỹ phải chấm dứt các hành động gây hấn và tham vọng hạt nhân của Iran”. Tuy nhiên, tuyên bố có phần gay gắt của ông Trump về chương trình hạt nhân của Tehran lại chỉ nhận được những phản ứng trái chiều từ các nước tham gia ký kết thỏa thuận hồi tháng 7/2015.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images) |
Bước đi mạo hiểm…
Ngày 27/9, nhận định về khả năng Washington từ bỏ JCPOA, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử IAEA Yukiya Amano cảnh báo: “Nếu nước Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân và những nước khác nối gót Washington, chắc chắn thỏa thuận này sẽ đổ vỡ. Tuy nhiên, trong trường hợp quan điểm này chỉ đến từ Mỹ, Ủy ban giám sát việc thực thi Thỏa thuận hạt nhân sẽ đưa ra phán quyết về hành động này”.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 20/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng vẽ ra viễn cảnh theo đuổi một chương trình hạt nhân với công nghệ làm giàu uranium tiên tiến hơn, nếu JCPOA bị phía Mỹ đơn phương chấm dứt. Ông nhấn mạnh: “Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đồng nghĩa với việc Nhà Trắng sẽ phải hứng chịu những lời chỉ trích từ các đồng minh thân cận, cũng như từ chính người dân của nước này”.
Tuy nhiên, trên thực tế, một khi Mỹ rút ra khỏi JCPOA, Iran sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Những nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau nhiều thập kỷ chịu cấm vận của Tehran sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Về phía các đồng minh của Mỹ, họ biết rằng việc một trong các bên đơn phương chấm dứt thỏa thuận là “lợi bất cập hại”. Hiện tại, Iran xuất khẩu tới 2,2 triệu thùng dầu/ngày – nguồn cung dồi dào bị cắt đứt sẽ khiến cho các tập đoàn dầu mỏ từ Pháp và Anh đánh mất đi những lợi ích kinh tế đáng kể vào tay các công ty đến từ Nga và Trung Quốc, đồng minh thân cận của Iran.
Quan trọng hơn, nhiều người cho rằng ngay cả khi Washington “quay lưng” với Tehran, các quốc gia còn lại trong JCPOA vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Iran, thay vì cùng Mỹ trừng phạt quốc gia này. Tuy nhiên, điều này khó có thể ngăn cản Tehran tái khởi động chương trình hạt nhân và làm giàu uranium của mình. Đây là điểm chẳng lành đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia.
Iran có trữ lưỡng dầu lên tới 2,2 triệu thùng/ngày. (Nguồn: Iran Daily) |
…hay nước cờ chiến lược?
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, hai nhân vật chính thuyết phục ông Trump chấm dứt JCPOA, lập luận rằng “tất cả những hành động này là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, bước đi chính trị của Tổng thống Trump nhằm hoàn thành cam kết đối với cử tri Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua.
Động thái này càng trở nên quan trọng đối với Tổng thống Trump, khi nhiều người ủng hộ cho rằng các chính sách của ông ở thời điểm hiện tại vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Thêm vào đó, việc bày tỏ quan điểm về JCPOA, nhưng lại chuyển quyền quyết định sang Quốc hội là nước đi “khôn ngoan” của người đứng đầu nước Mỹ, khi nó vừa giúp ông hoàn thành lời hứa trước đây, lại vừa không làm mất lòng các bên trong thỏa thuận.
Đáng chú ý hơn, những tuyên bố cứng rắn và cường điệu hóa mối đe dọa an ninh từ Iran là cách mà Washington ép Tehran thay đổi chính sách ngoại giao đối với các quốc gia khu vực, đặc biệt là trong cuộc xung đột tại Syria, Yemen và Iraq, đồng thời làm “yên lòng” Israel và Saudi Arabia. Bên cạnh đó, nó cũng khiến các quốc gia trong khu vực cảm thấy mất an toàn và tìm kiếm cách mua sắm trang thiết bị quốc phòng từ phía Mỹ. Các hợp đồng vũ khí với tổng trị giá lên tới 460 tỷ USD được Washington và Riyadh ký kết trong năm qua có thể coi là thành công vang dội cho Nhà Trắng.
Trước mắt, sau báo cáo ngày 15/10 vừa qua, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày xem xét đề xuất rút nước này khỏi JCPOA và khôi phục lại các lệnh trừng phạt Tehran của chính quyền Trump. Tuy nhiên, dẫu cho quyết định cuối cùng của xứ Cờ hoa là gì đi nữa, nó cũng sẽ mang đến thay đổi đáng kể cho cục diện khu vực Trung Đông thời gian tới.