Trước đó, vào tháng 11/2018, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu xuất khẩu từ Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi Hiệp định hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.
Cùng với các lệnh trừng phạt này, Washington đã cấp miễn trừ cho 8 nền kinh tế đã giảm việc nhập khẩu dầu từ Iran. Theo đó, các nền kinh tế này có thể tiếp tục mua dầu từ Iran thêm 6 tháng nữa mà không bị chịu lệnh trừng phạt. Các quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.
Một cơ sở sản xuất dầu của Iran. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết rằng vào ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thông báo về việc từ ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không còn ban hành miễn trừ trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào hiện đang nhập khẩu dầu thô hay chất ngưng tụ từ Iran. Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Năng lượng Mỹ đã lặp lại quan điểm của Chính quyền Mỹ là: “Mục tiêu của chúng tôi là không còn việc nhập khẩu dầu từ Iran càng sớm càng tốt”.
Các quốc gia khác cũng đang theo dõi xem liệu Mỹ có tiếp tục thực hiện việc miễn trừ hay không. Ngày 16/4, Người Phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Mỹ sẽ gia hạn miễn trừ cho Ankara để tiếp tục mua dầu từ Iran mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Kalin nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và cho rằng các lệnh trừng phạt này sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.