Trao đổi với báo giới, ông Sebastian Gorka, Phó Trợ lý của Tổng thống Trump, nêu rõ: "Tổng thống Trump là người có lập trường dứt khoát. Ông ấy sẽ sử dụng mọi biện pháp thích hợp để bảo vệ nước Mỹ và người dân của mình". Tuy nhiên, ông Gorka cho biết Mỹ sẽ không tiết lộ về những kế hoạch tương lai hay cách thức phản ứng của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. ( Nguồn: Getty Images) |
Trong khi đó, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cùng ngày đã dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết Hải quân Mỹ vẫn chưa có kế hoạch triển khai thêm một tàu sân bay tới khu vực này trong tháng 8. Thông tin này trái ngược với những tin tức trước đó nói rằng Mỹ đang dự định điều tàu sân bay USS Carl Vinson tới đây trong tháng này nhằm ứng phó với các mối đe dọa chiến tranh cũng như các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng. Trước đó, tàu sân bay Ronald Reagan vừa trở về cảng quê nhà ở Yokosuka của Nhật Bản sau chuyến tuần tra đều đặn kéo dài 3 tháng.
Một nguồn tin khác cho rằng quyết định điều một tàu sân bay với hàng nghìn nhân viên và hàng chục máy bay chiến đấu là điều "không dễ dàng". Nhiều nhà quan sát nêu khả năng thay vì điều tàu sân bay, Mỹ có thể điều các loại khí tài chiến lược khác tới đây như tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhân dịp Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận thường niên chung bắt đầu từ cuối tháng này.
Cùng ngày, giới chức đảo Guam tiếp tục lên tiếng trấn an người dân, khẳng định không có mối đe dọa gia tăng nào.
Trao đổi với báo giới, Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo cho rằng, việc Triều Tiên phát đi tín hiệu sẽ tấn công tên lửa nhằm vào Guam là "biểu hiện của sự sợ hãi". Ông cho biết thêm, người dân Guam tỏ ra quan ngại nhưng không hề hoảng loạn và các nhà chức trách địa phương rất tự tin rằng không hề có mối đe dọa gia tăng nào bất chấp những cảnh báo về một cuộc tấn công mà Triều Tiên đưa ra trước đó.
Thống đốc Guam khẳng định: "Lá chắn phòng thủ đã được triển khai bao quát toàn bộ Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều cơ sở hải quân nằm giữa Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Guam cũng như một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Guam tạo thành mạng lưới phòng thủ đa cấp độ. Do đó, dựa trên tình hình thực tế, không cần phải có bất kỳ quan ngại nào về mức độ đe dọa leo thang".
Trước đó, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin quân đội nước này đã đệ trình nhà lãnh đạo Kim Jong-un kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào khu vực cách Guam khoảng 30 đến 40 km "để phát đi cảnh báo nghiêm trọng đối với Mỹ".
Đảo Guam có khoảng 163.000 người dân và 1 căn cứ quân sự của Mỹ gồm 1 đội tàu ngầm, 1 căn cứ không quân và nhóm phòng vệ bờ biển đồn trú. Hiện giới chức đảo Guam cùng với quân đội và các quan chức Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát các động thái của Triều Tiên.