📞

Mỹ sẽ làm gì sau khi IS bị đánh bại?

19:57 | 04/07/2017
Áp lực đang ngày càng tăng đối với Nhà Trắng trong việc đưa ra một chiến lược dài hơi hơn khi mối đe dọa IS đã được hóa giải. 

Khó khăn cản bước

Khi lực lượng liên quân tại chỗ được Mỹ hậu thuẫn sắp sửa giành lại các thành phố Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các tư lệnh của Mỹ rất tự tin rằng họ sẽ sớm đánh bại nhóm chiến binh này sau 3 năm chiến đấu.

Các tay súng người Kurd và binh lĩnh Mỹ tại "chảo lửa" Syria. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn đang loay hoay chưa xác định được chiến lược cho những bước đi tiếp theo để khôi phục sự ổn định tại khu vực, kể cả những quyết định then chốt liên quan tới các vấn đề như vùng an toàn, công cuộc tái thiết, một chính phủ non trẻ, giảm căng thẳng phe phái và cam kết của lực lượng Mỹ.

Theo AP, trong khi lực lượng được Mỹ hậu thuẫn bao vây và tấn công thủ phủ Raqqa, thì lực lượng quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad do Nga và Iran hậu thuẫn cũng đang chiếm các vùng lãnh thổ mà IS bỏ lại. AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ đề nghị giấu tên cho biết chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang có sự bất đồng trong việc Mỹ nên cố gắng tới mức nào để ngăn chặn chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad chiếm các vùng lãnh thổ mà IS bỏ trống.

Mỹ không có nhiều lựa chọn bởi không có trợ thủ có thực lực mạnh tại chỗ. Ở Syria, Washington không muốn hợp tác với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad song sẽ rất khó để nhổ tận gốc được IS nếu chỉ bằng lực lượng các tay súng người Kurd và Ả rập mà Mỹ hậu thuẫn. Mỹ cho tới giờ vẫn né tránh hợp tác với nhà lãnh đạo Syria. Thay vào đó, họ ủng hộ lực lượng người Kurd và Ả rập địa phương - được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - hiện đang đi đầu trong cuộc tấn công vào thủ phủ của IS ở Raqqa, phía Bắc Syria.

Tuy nhiên, với một lực lượng khoảng 50.000 tay súng, SDF đang có nguy cơ bị quá sức và không thể kham được cuộc chiến gay go hơn ở Deir el-Zour, thành lũy lớn cuối cùng của IS ở phía Đông Nam Syria. Trong khi đó, ông Assad và các đồng minh đang đứng vững ở các khu vực then chốt, trong đó có cả vùng ngoại vi của Raqqa và Deir el-Zour. Một phát ngôn viên của liên quân do Mỹ đứng đầu khẳng định những thắng lợi mà ông Assad giành được đang giảm bớt gánh nặng cho lực lượng này.

Nội bộ rối ren

Ở Nhà Trắng, một số ý kiến đang ủng hộ cách tiếp cận mạnh mẽ của Mỹ tại chiến trường Iraq và Syria, trong khi Bộ Ngoại giao và Lầu Năm góc lại cảnh báo về các nguy cơ. Việc giữ cho các vùng lãnh thổ mà ông Assad nắm giữ chỉ ở mức tối thiểu sẽ đảm bảo ảnh hưởng của ông không đủ để tham gia một thỏa thuận chính trị cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng, do đó Mỹ có thêm khả năng thực hiện được tham vọng lâu nay của mình là thấy ông Assad rời bỏ quyền lực.

Việc hạn chế tầm kiểm soát của ông Assad ở Đông Syria cũng ngăn các lực lượng được Iran hậu thuẫn có được một hành lang rộng qua Iraq tới Syria và thẳng tới Lebanon. Các ý kiến phản đối trong chính quyền ông Trump thì lo ngại rằng Mỹ sẽ lún sâu vào một cuộc chiến trực tiếp hơn với ông Assad.

Cuộc chiến sẽ không kết thúc ngay khi IS ở Mosul và Raqqah sụp đổ. (Nguồn: Reuters)

Đại tá quân đội Ryan Dillon, phát ngôn viên liên quân chống IS, nói rằng lực lượng chính phủ Syria cứ việc chiếm các lãnh thổ mà IS nắm giữ và lấp vào chỗ trống khi tổ chức cực đoan này rút chạy. Phát biểu này gây sửng sốt bởi ngay trước đó, ông Trump đã cảnh báo ông Assad sẽ phải “trả giá lớn” và khẳng định có những bằng chứng “tiềm tàng” chứng tỏ Syria đang chuẩn bị tiến hành một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nữa. Các thông điệp lẫn lộn này cho thấy một thực tế mà đa số các nhà hoạch định chính sách không muốn nói ra – đó là ông Assad vừa là kẻ tội đồ song cũng là công cụ hữu hiệu để đảm bảo và quản lý lãnh thổ ở các thành phố mà người Ả Rập chiếm đa số tại một địa hình phức tạp.

LA Times cho rằng chính quyền ông Trump cũng chưa đặt ra một chính sách nào về cách thức đối đầu với các lực lượng từ phía Iran và Nga, hai cường quốc bên ngoài hậu thuẫn cho ông Assad, được cho là đã đạt được nhiều lợi ích nhất trong cuộc xung đột và hiện đang hi vọng thu thập các chiến lợi phẩm và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Cụ thể, Iran đang cố gắng tạo dựng một hành lang kéo dài từ biên giới phía Tây qua Iraq và Syria tới tận Lebanon, nơi nước này đang hậu thuẫn các tay súng Hezbollah, tạo được cho mình một thế đứng rộng hơn ở khu vực bất ổn này.

Một cuộc tranh cãi căng thẳng đang nổ ra trong Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng về con đường trước mắt. Ít nhất, một cách công khai, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster đã cho thấy những ưu tiên khác nhau. Lầu Năm góc cho rằng mục tiêu hướng tới chỉ là đánh bại IS và không có ý định để bị cuốn vào cuộc xung đột với Iran. Còn ông McMaster lại đưa ra quan điểm khác. Ông gọi cuộc chiến chống IS là “một phần trong một chiến dịch lớn hơn nhiều” để ngăn chặn các nhóm khủng bố xuyên quốc gia bắt rễ.

Mặc dù cuộc chiến sẽ không kết thúc ngay khi IS ở Mosul và Raqqa sụp đổ, Nhà Trắng phải quyết định có tiếp tục trang bị vũ khí và bảo vệ các lực lượng ủy nhiệm khi Syria và Iran tìm cách củng cố thành quả của mình hay không. Nếu lực lượng Mỹ rút khỏi Syria, như đã từng làm ở Iraq, sẽ là bật đèn xanh cho lực lượng của ông Assad xoay hỏa lực sang phe nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn. Đó là một viễn cảnh ác mộng. 

(theo TTXVN)