Quan tâm tới quần đảo Senkaku
Bộ trưởng James Mattis sẽ đến Tokyo từ ngày 3/2 trong chuyến công du đến châu Á, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Ông Mattis sẽ tới Tokyo, sau chuyến thăm ngắn kéo dài 2 ngày tại Seoul.
Việc lựa chọn 2 đồng minh Đông Bắc Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không phải là điều bất ngờ. Ông James Mattis đã được giao nhiệm vụ khẳng định cam kết của Mỹ trong hiệp ước an ninh mà nước này đã ký kết với 2 đồng minh quan trọng, sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu đánh giá thấp các khía cạnh liên quan tới quan hệ đồng minh trong chiến dịch tranh cử của mình.
Ông James Mattis đã được giao nhiệm vụ khẳng định cam kết của Mỹ trong hiệp ước an ninh mà nước này đã ký kết với 2 đồng minh quan trọng. (Nguồn: AP) |
Tại Nhật Bản, tân Bộ trưởng James Mattis sẽ có buổi hội đàm với người đồng cấp Tomomi Inada. Ông Mattis dự kiến sẽ nhắc lại cam kết trong hiệp ước an ninh của Mỹ đối với Nhật Bản và tiếp tục củng cố những “di sản” còn lại của chính quyền Obama, trong đó bao gồm những nội dung trong bản Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật được 2 nước xây dựng vào năm 2015.
Ngoài ra, điều đáng chú ý nhất là thông tin từ tờ “Yomiuri” tiết lộ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có thể sẽ mở rộng các cam kết để trấn an đồng minh, cũng như đưa ra đảm bảo đầu tiên của một quan chức cấp cao (kể từ chuyến thăm của ông Obama tới Nhật Bản vào năm 2014) về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc như một phần trong Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Quần đảo này đang nằm dưới sự quản lý của Tokyo mà Bắc Kinh cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Tuyên bố về Mục V của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra năm 2014 mang một ý nghĩa rất quan trọng. Giữa năm 2012, việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cùng với các đảo khác ở Biển Hoa Đông đã đẩy căng thẳng với Trung Quốc lên cao độ. Căng thẳng giữa 2 bên chỉ “hạ nhiệt” khi Tokyo và Bắc Kinh thống nhất một “Thỏa thuận nguyên tắc bốn điểm".
Trong thời gian căng thẳng Nhật-Trung bị đẩy lên cao độ, máy bay Nhật Bản đã phải liên tục quần thảo trên Biển Hoa Đông do tàu chiến của Hải quân Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển tranh chấp, viễn cảnh về một cuộc đụng độ vũ trang giữa 2 nước lớn của Đông Á gần hơn bao giờ hết. Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Obama đã phải tuyên bố rằng bất kỳ hành động gây hấn nào của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể sẽ kích hoạt các nghĩa vụ quốc phòng của Mỹ đối với Nhật Bản. Điều này đã trấn an Tokyo và ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục leo thang căng thẳng.
Đụng chạm tới Trung Quốc
Mỹ muốn Nhật Bản phải bỏ qua những chỉ trích của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử và hiểu rằng không có gì thay đổi việc Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản. Tuy nhiên, cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định lại vấn đề Senkaku/Điếu Ngư có thể đụng chạm tới Trung Quốc.
Trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ, chính quyền của ông Trump đã tạo ra nhiều áp lực với Trung Quốc. Đây có thể là một động thái vô tình hoặc cố ý, song nó chắc hẳn đã làm suy giảm quan hệ Trung-Mỹ. Bắc Kinh đến thời điểm hiện tại đã thể hiện thái độ khá kiềm chế khi không chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của ông Trump, và mới chỉ có một ngoại lệ khi đưa ra tuyến bố chống lại phát biểu của tân Thứ ký báo chí Nhà Trắng do người này có các bình luận được cho là "không hiểu rõ về tranh chấp ở Biển Đông".
Tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. (Nguồn: Reuters) |
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đề cập tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong chuyến thăm Tokyo, điều này có thể khiến Trung Quốc phải phản ứng lại. Trong năm 2014, khi ông Obama đưa ra tuyên bố về Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không phản ứng công khai, song truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã gọi tuyên bố của ông Obama là “thiển cận”. Kể từ đó, Trung Quốc đã liên tục thử thách giới hạn của Nhật Bản ở biển Hoa Đông bằng việc tăng cường các hoạt động quân sự trên không và trên biển. Điều này đã được lặp lại vào mùa Hè năm 2016 khi Bắc Kinh cho xây dựng thêm các giàn khoan thăm dò dầu khí dọc đường ranh giới trên giữa 2 bên ở biển Hoa Đông. Tokyo cáo buộc đây là sự vi phạm thỏa thuận song phương được ký giữa 2 phía vào năm 2008 về phát triển nguồn tài nguyên chung.