Đồng bạc xanh vẫn là giải pháp hiệu quả của Mỹ trong việc kìm tỏa các nước giao dịch với Iran. |
Có thể thấy thời gian gần đây, Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào các giao dịch dầu mỏ của Iran. Những biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ ngày 28/6 nhằm cắt đứt giao dịch dầu mỏ trị giá 95 tỷ USD/năm mới đây của Iran và ngăn chặn dòng vốn đổ vào chương trình hạt nhân của nước này là những nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm thực hiện âm mưu này. Động thái trên một lần nữa cho thấy sức mạnh của đồng USD và cách mà người Mỹ sử dụng công cụ này để kìm tỏa các nước khác.
Nhằm kiểm soát nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, Mỹ cần phải trừng phạt các nước có giao dịch với Iran. Một trong những cách mà Mỹ thường làm là không cho các nước này xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là một sự lựa chọn sáng suốt, khi thực tế Mỹ chỉ chiếm 12% tổng lượng giao dịch toàn cầu, bằng cách cắt đứt giao dịch thương mại với các nước vi phạm, Mỹ lại làm tổn hại chính thị trường xuất khẩu của mình. Vì vậy, việc sử dụng vũ khí đồng bạc xanh xem ra vẫn là giải pháp hiệu quả và giá trị hơn cả. Hơn 35% các giao dịch quốc tế hiện nay sử dụng USD là đồng tiền giao dịch và rất nhiều trong số đó không có sự tham gia của các công ty Mỹ.
Đồng USD chính là một trong những điểm yếu của Iran. Hầu hết sản lượng dầu khoảng 2,5 triệu thùng/ngày (năm 2011) đều được bán cho nước ngoài nhằm thu về USD. Các lệnh cấm vận của Mỹ trước đó đã khiến các ngân hàng tư nhân của Iran không thể mua bán dầu, vì vậy toàn bộ giao dịch đều do Ngân hàng trung ương Iran (CBI) quản lý. Và CBI sử dụng số USD thu được để duy trì tỷ giá hối đoái cố định.
Lệnh cấm vận mới của Mỹ được ký vào tháng 12/2011 chủ yếu nhằm vào các nước không thực hiện cắt giảm lượng dầu giao dịch với CBI. Bất cứ ngân hàng nước nào có giao dịch với CBI đều bị từ chối tiếp cận với hệ thống ngân hàng của Mỹ. Từ đó, các ngân hàng này sẽ không thể thiết lập các tài khoản cũng như thực hiện các giao dịch bằng đồng USD, vì phần lớn các giao dịch này đều thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng lớn của Mỹ.
Việc Mỹ "vô hiệu hóa" các nước cấp vốn cho Iran thông qua hệ thống ngân hàng đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, thông qua Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng Thế giới, Mỹ cũng loại trừ 40 ngân hàng Iran ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế toàn cầu. Từ 28/6, các ngân hàng ngoài Iran còn tiếp tục giao dịch với CBI cũng phải chịu chung số phận.
Ngay sau khi luật trừng phạt mới được thông qua, Nhật Bản và 10 nước EU đã giảm thương mại với Iran. Đầu tháng 6, 7 nước khác, bao gồm cả Ấn Độ cũng đã cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran. Kết quả là sản lượng dầu mỏ của quốc gia Hồi giáo này đã giảm đáng kể chỉ còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng bị sức mạnh của Mỹ chi phối. Trung Quốc (TQ) hiện là khách hàng lớn nhất của Iran khi chiếm tới 20% thị phần dầu mỏ mà Iran bán ra. Nếu cắt giảm thương mại với Iran, TQ sẽ thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, thay vì giảm nhập khẩu, TQ tìm cách lách luật. Do các luật trừng phạt của Mỹ phần lớn chỉ giới hạn giao dịch với CBI, nên nhiều giao dịch của TQ được thực hiện thông qua các trung tâm giao dịch tại vùng Vịnh. Bên cạnh đó, TQ và Iran cũng thiết lập phương thức thương mại hàng đổi hàng. Iran bán dầu cho TQ để lấy vàng và hàng hóa từ TQ.
Mỹ dù biết, nhưng khó có thể ngăn chặn. Thông thường, các dữ liệu giao dịch dầu mỏ được kiểm soát thông qua các đèn báo tín hiệu mà tàu lớn phải sử dụng để tránh va chạm trên biển. Nhưng phần lớn các tàu Iran đều "phớt lờ" quy định, đồng loạt tắt đèn tín hiệu để vận chuyển và trao đổi dễ dàng hơn.
Thậm chí, ngay cả khi "bắt tận tay", Mỹ cũng không thể gây sức ép với TQ. TQ hiện nắm tới 13% số trái phiếu kho bạc trị giá 12.000 tỷ USD của Mỹ. Loại TQ ra khỏi hệ thống tài chính chẳng khác nào Mỹ tự bịt lối vào của một trong những khách hàng mua nợ lớn nhất của mình.
Kim Giang (Theo Economist)