Tàu khu trục lớp Arleigh Burke có tên USS Michael Murphy của Mỹ và tàu khu trục nhỏ FNS Vendemiaire của Pháp tập trận chung tại Thái Bình Dương. (Nguồn: US Navy) |
Tiếp nối đà từ các giai đoạn trước, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các bước đi này cũng tạo ra những quan ngại nhất định từ khu vực, và nếu không được xử lý thích đáng sẽ làm giảm hiệu quả hợp tác của Mỹ với khu vực.
Xu hướng dài hạn
Thất vọng với những biện pháp bị dư luận đánh giá là thiếu hiệu quả từ thời chính quyền Tổng thống George Bush và Tổng thống Barack Obama trong việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở khu vực và đặc biệt là nhằm ứng phó với “sự trỗi dậy” của Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump từng tiến hành nhiều bước đi mạnh mẽ để tăng cường hợp tác chiến lược với khu vực.
Dưới mũ chung là “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (vốn được khẳng định trong những văn bản quan trọng như Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017, Báo cáo tiến độ thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2019…), Mỹ quyết tâm duy trì ưu thế chiến lược ở khu vực này và thúc đẩy một trật tự kinh tế tự do, đồng thời ngăn chặn Trung Quốc thiết lập khu vực ảnh hưởng cũng như không để các mối nguy khác trỗi dậy đe dọa đến Mỹ và đồng minh như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, các thách thức an ninh phi truyền thống…
Để giải quyết được những mục tiêu trên, chính quyền của Tổng thống Trump đã kiên trì thúc đẩy “một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho Mỹ, do đây là khu vực có động lực tăng trưởng then chốt đối với kinh tế Mỹ, khu vực và toàn cầu cũng như có các vị trí chiến lược về mặt an ninh, quân sự…
Trung Quốc đóng vai trò then chốt và là nhân tố “đáng quan ngại” nhất đối với Mỹ trong việc thách thức quyền lực của Washington tại khu vực cũng như chia rẽ các liên minh của cường quốc số 1 thế giới tại đây.
Song song với những biện pháp bao trùm khác như xây dựng “đồng thuận quốc tế” cho rằng chính sách công nghiệp và hoạt động thương mại quốc tế bất bình đẳng của Trung Quốc sẽ phá hỏng trật tự thương mại toàn cầu, Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các quy tắc về sở hữu trí tuệ…, Mỹ rất chú trọng việc củng cố các mối quan hệ chiến lược với các đồng minh, đối tác tại khu vực (điểm nổi bật là tạo dựng liên minh Bộ tứ với Australia, Nhật Bản, Ấn Độ) cũng như duy trì sự hiện diện quân sự và tiếp tục các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại khu vực (FONOP).
Đáng chú ý, Quốc hội Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump đã chủ động yêu cầu Mỹ điều trần để giải thích rõ các hoạt động tăng cường hợp tác chiến lược với khu vực và xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Nguyên nhân là vì chính quyền và Bộ Quốc phòng Mỹ tuy đã thống nhất được tầm quan trọng trong việc tăng cường ứng phó với Trung Quốc nhưng triển khai còn chậm chạp và chưa hiệu quả.
Quốc hội Mỹ cũng giới thiệu riêng dự luật “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” (PDI) để chi hơn 2 tỷ USD cho năm tài chính 2021 nhằm hỗ trợ phục vụ mục đích này.
Ngay từ khi cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Biden dường như cũng theo sát các nỗ lực từ thời ông Trump trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, bao gồm việc tăng cường hợp tác chiến lược với các quốc gia khác tại khu vực.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngoài việc tuyên bố tiếp tục đề cao Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), coi yêu sách của Trung Quốc là “bất hợp pháp”, ủng hộ các nước Đông Nam Á…, chính quyền của ông Biden đã tiến hành 3 cuộc tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, 6 lần điều tàu qua Eo biển Đài Loan, tiến hành 39 cuộc tập trận và diễn tập tại khu vực…
Việc tiến hành tuần tra tự do hàng hải của chính quyền ông Biden diễn ra còn sớm hơn cả trong thời chính quyền ông Trump.
Trong những sự kiện đối ngoại quan trọng mà chính quyền của Tổng thống Biden tiến hành với các nước trong khu vực trong 6 tháng qua bất chấp dịch Covid-19 phải kể đến cuộc gặp Thượng đỉnh lần đầu tiên của các Lãnh đạo nhóm Bộ tứ hồi tháng 3 và ra Tuyên bố chung đề cập tinh thần hợp tác, bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải để giải quyết những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Một điểm khác cũng khá quan trọng là việc các Tuyên bố chung Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo 2 nước châu Á đến Mỹ vào tháng 4 và 5, trong đó đều đề cập Biển Đông và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, chính quyền của Tổng thống Biden dự kiến sẽ phân bổ hơn 5 tỷ USD cho năm tài chính 2022 trong khuôn khổ “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” với hàm ý tăng khả năng ứng phó với các thách thức mới và cũ tại khu vực, tăng cường năng lực xử lý quan hệ chiến lược với Trung Quốc và thúc đẩy hợp tác chiến lược với các quốc gia khu vực.
Theo tinh thần của Sáng kiến này, việc chi một khoản ngân sách lớn tương tự hằng năm dành cho các mục đích này ít nhất sẽ kéo dài đến năm 2027, đánh dấu một bước đi chiến lược quan trọng trong quan hệ của Mỹ với khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục “trỗi dậy” và thu hút sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực.
Những bước đi cụ thể trên trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump và ông Biden thể hiện xu hướng dài hạn trong chính sách của Mỹ nhằm xử lý các thách thức chiến lược mà Washington quan ngại trong quan hệ với Bắc Kinh.
Những tranh luận nhiều năm trong nội bộ Mỹ đều ít nhiều phản ánh quan ngại về các mức độ xung đột khác nhau trong quan hệ Mỹ-Trung khi cả 2 bên chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả cho những căng thẳng mang tính cơ cấu được thể hiện qua nhiều bước đi cụ thể, bao gồm trong vấn đề Biển Đông.
Nội bộ Mỹ cũng đạt được sự đồng thuận lưỡng Đảng về việc cần phải tăng cường cứng rắn với Trung Quốc trong dài hạn.
Theo thăm dò dư luận của Trung tâm Pew hồi tháng 3, 9 trong số 10 người Mỹ được hỏi nhìn Trung Quốc như quốc gia cạnh tranh hay kẻ thù, hơn là một đối tác của Mỹ.
Một số quan ngại từ khu vực
Bên cạnh nhiều mặt tích cực của việc Mỹ tăng cường hợp tác chiến lược với khu vực, tiến trình này cũng gặp phải những quan ngại nhất định từ các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các nước đều rất quan tâm và có phần quan ngại nếu tiến trình tăng cường hợp tác chiến lược của Mỹ với khu vực làm tăng cạnh tranh chiến lược và nguy cơ xung đột với Trung Quốc hoặc giữa một số quốc gia khu vực.
Báo Japan Times nhận định, năm 2020, ông Trump đã tăng gấp đôi số FONOP trên Biển Đông. Chính quyền của Tổng thống Biden nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục, thậm chí còn đẩy mạnh, xu hướng này.
Theo đó, tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ hoặc tai nạn không cố ý, có thể dẫn đến một cuộc xung đột quy mô lớn hơn giữa hai cường quốc.
Ngoài ra, vẫn còn những hoài nghi đối với tính hiệu quả trong tiến trình tăng cường hợp tác chiến lược của Mỹ với khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, chiến lược khu vực của Mỹ hiện nay vẫn còn thiếu trụ cột kinh tế một cách thực chất để hỗ trợ cho việc triển khai chiến lược chung, dù nền kinh tế số 1 thế giới luôn nhấn mạnh nhân tố này trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cùng với đó là việc chính quyền của Tổng thống Biden mới đây đã tổ chức một hội nghị tham vấn liên quan tăng cường đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực.
Mặt khác, tiếp tục tồn tại quan ngại về việc thiếu hụt nguồn lực cho hỗ trợ tăng cường quan hệ chiến lược với các nước cũng như giúp các nước khu vực tăng năng lực quốc phòng-an ninh.
Trong khi Mỹ dự kiến chi hơn 5 tỷ USD cho các mục tiêu thiết kế và bố trí các lực lượng quân sự của Mỹ tại khu vực; diễn tập, trải nghiệm và sáng tạo; tăng cường sức mạnh chiến đấu của liên quân; tăng cường hậu cần và an ninh, thì Mỹ chỉ chi có 500 nghìn USD cho cùng năm tài chính để tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác trong khuôn khổ sáng kiến PDI.
Nhằm tranh thủ các nỗ lực và tác động tích cực của tiến trình Mỹ tăng cường hợp tác chiến lược với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các bên sẽ còn phải cố gắng rất nhiều trong thúc đẩy quan hệ.
Để tránh va chạm và/hoặc xung đột, cả Mỹ, Trung Quốc và các nước khác đều phải quan tâm và thận trọng trong các bước triển khai quan hệ chiến lược cụ thể tại khu vực.
Để phát huy hơn nữa các nguồn lực và hiệu quả của hợp tác chiến lược, các nước khu vực cũng cần công khai hóa hơn nữa các nhu cầu và quan ngại liên quan tiến trình này.