📞

Mỹ tham vọng xây dựng mô hình NATO 'kiểu Thái Bình Dương', thắt chặt hợp tác quốc phòng đa phương

Lan Phương 15:10 | 01/09/2020
TGVN. Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/8 cho biết, Washington đặt mục tiêu chính thức hóa quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với ba nước Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - còn được gọi là "Bộ Tứ" - tiến gần hơn với mô hình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết:“Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ". (Nguồn: AFP)

Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun cho biết, mục tiêu của Chính phủ Mỹ là đưa nhóm bốn quốc gia và những quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hợp tác với nhau như một bức tường thành chống lại “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc” và kỳ vọng “tạo ra các giá trị và lợi ích chung của các bên để thu hút nhiều quốc gia hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng để tạo ra sự liên kết theo một cách có cấu trúc hơn".

Ông Biegun nhấn mạnh: “Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Khu vực này thiếu sự vững chắc như NATO hoặc Liên minh châu Âu (EU). Tôi nghĩ, các tổ chức mạnh nhất ở châu Á đôi khi không đủ bao hàm. Vì vậy, đã đến lúc cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy”.

“Hãy nhớ rằng, ngay cả NATO cũng bắt đầu với những kỳ vọng tương đối khiêm tốn và một số quốc gia vào thời điểm ban đầu đã chọn vị thế trung lập chứ không là thành viên của NATO”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói thêm.

Ông Biegun cảnh báo rằng, Washington sẽ “kiểm soát” tham vọng đối với một mô hình NATO Thái Bình Dương, nói rằng một liên minh chính thức như vậy sẽ chỉ hình thành nếu các quốc gia khác cam kết mạnh mẽ như Mỹ.

Báo cáo của Viện Lowy cho biết, các cuộc đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6 tại thung lũng Himalaya Galwan, trong đó ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, khiến đất nước sông Hằng có xu hướng muốn mời Australia tham gia tập trận Malabar. Theo đó, New Delhi đã mời Nhật Bản và Mỹ tham gia cuộc tập trận năm nay, nhưng Australia vẫn chưa nhận được lời mời từ Chính phủ của ông Modi.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gợi ý rằng, Washington muốn thấy Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand có thể sẽ tham gia một phiên bản mở rộng của “Bộ Tứ”. Các cuộc họp “rất hợp tác” mà các nước “Bộ Tứ” đã có với các quan chức từ Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand về phản ứng đối với đại dịch Covid-19 được đưa ra làm điển hình.

Các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của bảy quốc gia được coi là “cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả và hợp tác”. Mỹ hy vọng có thể xem xét để hình thành nên một nhóm các quốc gia thực sự cố gắng hết sức để thúc đẩy sự kết hợp lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Biegun được đưa ra vào thời điểm sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien gọi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “cách tiếp cận gây hấn”. Đồng thời, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cũng công bố về các cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp các nước Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để tăng cường hợp tác quốc phòng trong khu vực. Các cuộc gặp cấp cao của “Bộ Tứ” dự kiến tổ chức vào tháng 9 và tháng 10 tới.

(theo SCMP)